Xã Thành Long: Phát triển kinh tế đồi rừng

Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Thành Long khóa XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là "Phát triển toàn diện kinh tế nông – lâm kết hợp; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao chất lượng tăng trưởng, …". Ngay trong năm đầu tiên triển khai Nghị quyết, mục tiêu này đã được đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tích cực thực hiện với những giải pháp cụ thể.

Một số diện tích rừng keo của người dân xã Thành Long đã được cấp chứng chỉ FSC quốc tế.

Ngay sau Đại hội, để hiện thực hóa những mục tiêu của Nghị quyết, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa những cây trồng có giá trị năng suất cao vào sản xuất; chuyển đổi một phần diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với quy hoạch.

Điển hình như gia đình anh Bùi Văn Hoài ở thôn Thành Du. Từ năm 2010 trở về trước, do chưa có vốn và kiến thức phát triển kinh tế lâm nghiệp nên diện tích đồi rừng của gia đình anh trồng các loại cây không mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2018, được sự vận động của chính quyền địa phương, bằng nguồn vốn tích lũy và vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, anh đầu tư trồng 7 ha cây keo lai cấy mô. Để có kiến thức trồng rừng, anh tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do xã tổ chức và tham khảo qua sách báo. Hiện diện tích rừng keo của gia đình anh đang được Tổ chức FSC quốc tế thẩm định và cấp chứng chỉ FSC quốc tế. Theo tính toán, hiện tại 7 ha keo nếu khai thác sẽ cho từ 1.200-1.300 tấn gỗ, với giá thị trường hiện nay, gia đình anh thu lãi hơn 1 tỷ 260 triệu đồng.

Hiện tại xã có 1.149,39 ha đất rừng sản xuất, những năm qua cùng với các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước cho công tác phát triển rừng, việc người dân tự đầu tư vào phát triển kinh tế rừng đã và đang trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân chuyển đổi từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Đến nay, hầu hết diện tích rừng sản xuất được người dân chuyển sang trồng cây keo lai cấy mô, chu kỳ chừng 4- 5 năm cho khai thác để làm nguyên liệu giấy và băm dăm. Thấy hiệu quả từ việc đầu tư trồng rừng, người dân trong xã đã chuyển đổi đất trồng mía, ngô, sắn và diện tích trồng cây lâu năm không hiệu quả sang trồng cây keo lai cấy mô. Đến nay, người dân trong xã đã trồng được gần 1.149,39 ha keo, trong đó hơn 682 ha keo được cấp chứng chỉ FSC quốc tế. Theo tính toán, hiện tại 1 ha keo nguyên liệu chu kỳ từ 3-4 năm cho giá trị từ 80-90 triệu đồng/1 ha, keo được cấp chứng chỉ FSC cho giá trị 180 triệu đồng. Tận dụng dưới tán rừng, người dân đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, ong mật. Hiện trên địa bàn xã có 1.100 con trâu bò, 5.632 con gà, 500 con dê, 937 đàn ong mật. Kinh tế đồi rừng đã giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập. Tính đến tháng 8 năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Thành Long đạt 35,88 triệu đồng/người/ 8 tháng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,56%.

Với những giải pháp sát đúng, phù hợp với thực tế của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Thành Long sẽ từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra./.

T/h: Thu Hà - Ngọc Thắng

TÌM KIẾM

BANNER LIÊN KẾT

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 51

    Đã truy cập: 2054796