Lịch sử ra đời của lực lượng CAND Việt Nam

Tạp chí CSND - Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra, cùng với việc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, Công an nhân dân Việt Nam đã ra đời. Trải qua mỗi chặng đường cách mạng, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam lại được củng cố và phát triển, từng bước trưởng thành và lớn mạnh, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Mùa thu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai diễn biến có nhiều thuận lợi cho Cách mạng Việt Nam. Hồng Quân Liên Xô và đồng minh tiến công tiêu diệt phát xít Đức. Ngày 9/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, ngày 10/8/1945, Nhật chấp nhận đầu hàng mà các nước đồng minh đưa ra tại Hội nghị Pốt-xđam. Ở Đông Dương, bộ máy thống trị của Nhật và thế lực Trần Trọng Kim tê liệt, tan rã. Đại bộ phận các thế lực phản cách mạng hoảng sợ và hoang mang cực độ. Những điều kiện cho cuộc tổng khởi nghĩa ở nước ta đã chín muồi.
Từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng đã họp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, Hội nghị nhận định thời cơ đã đến và quyết định phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ngay đêm 13/8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa.
Ngày 16/8/1945, Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Người đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước:”Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đem sức mà tự giải phóng cho ta”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và căn cứ vào Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, khắp nơi trong cả nước đã nắm thời cơ nổi dậy giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi rực rỡ. Từ sáng sớm, trên mọi nẻo đường, quần chúng cách mạng kéo về Quảng trường Nhà hát thành phố dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Sau loạt súng chào Cờ là bài Tiến quân ca, đại biểu ủy ban quân sự cách mạng đọc lời triệu hiệu của Việt Minh. Ngay sau đó, cuộc mít tinh chuyển thành biểu tình vũ trang. Quần chúng cách mạng có các đơn vị tự vệ chiến đấu, trinh sát Việt Minh đi đầu, chia thành nhiều đoàn nhanh chóng tiến công chiếm Phủ Khâm sai, trại Bảo an binh, Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Sở Cảnh sát, trại giam Hỏa Lò và các công sở của chính quyền bù nhìn.
Chỉ trong vòng một ngày, lực lượng cách mạng đã hoàn thành việc chiếm lĩnh các cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn, lật đổ bộ máy thống trị của phát xít Nhật và đập tan các cơ quan đàn áp của chúng, thành lập chính quyền cách mạng. Ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Công an nhân dân chính thức thành lập. Ngay sau khi giành chính quyền, ở Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát.
Tại thành phố Huế, ngày 20/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập. Ủy ban quyết định giành chính quyền vào ngày 23/8/1945. Hàng vạn nhân dân nội, ngoại thành đã kéo về trung tâm biểu tình thị uy, kéo về các công sở giành chính quyền.
Sau khi tuyên bố xóa bỏ các cơ quan đàn áp của chế độ cũ, ở Trung Bộ ta lập Sở Trinh sát, hầu hết các tỉnh thuộc Trung Bộ đều thành lập Ty Trinh sát, ở Nghệ An, Hà Tĩnh thành lập Công an Cục.
Tại thành phố Sài Gòn, Xứ ủy Nam Kì quyết định khởi nghĩa ở Sài Gòn và các tỉnh vào ngày 25/8/1945. Sáng ngày 25/8 quần chúng nhân dân Sài Gòn đã tiến hành khởi nghĩa, chiếm trụ sở cơ quan chính quyền địch. Chỉ trong ngày 25/8/1945, Sài Gòn đã giành được chính quyền.
Cùng với việc ra mắt ủy ban hành chính, ta lập Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ. Tổ chức Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ gồm 11 bộ phận, các bộ phận quan trọng đều do các đồng chí đảng viên phụ trách.
Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã tác động mạnh đến các địa phương trong cả nước. Đến ngày 28/8/1945, hai tỉnh Đồng Nai Thượng và Hà Tiên đã giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước.
Ngày 30/8/1945, trong cuộc mít tinh lớn có hàng vạn quần chúng tham gia, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị và trao ấn tín cho cách mạng, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến Việt Nam.
Chỉ trong vòng nửa tháng, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.
Cùng với thắng lợi của cách mạng tháng Tám, lực lượng Liêm phóng Bắc Bộ, Trinh sát Trung Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ được thành lập. Đây là các tổ chức Công an nhân dân đầu tiên. Các lực lượng này đã bắt và trấn áp những tên cầm đầu các đảng phái phản động, những tên quan lại, tay sai của Pháp và phát xít Nhật, kịp thời thu giữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu. Cùng với những hoạt động trấn áp bọn phản cách mạng, lực lượng Liêm phóng Bắc Bộ và Tự vệ chiến đấu, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc đã bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ lâm thời từ căn cứ về Hà Nội.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
Nhiều địa phương trong cả nước cũng tổ chức mít tinh chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Trinh sát, Quốc gia và tự vệ quốc đã bảo vệ an toàn các cuộc mít tinh.     
Như vậy, cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ra đời. Ngày 19 tháng 8 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Tuy các tổ chức đầu tiên của Công an ba miền lúc mới ra đời có tên gọi khác nhau nhưng đều có chung nhiệm vụ đấu tranh, trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng mới ra đời, bảo vệ nhân dân.


Theo Tạp chí Cảnh sát nhân dân – Csnd.vn

TÌM KIẾM

BANNER LIÊN KẾT

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 8

    Hôm nay: 543

    Đã truy cập: 2020729