Tháng 7, tri ân các anh hùng liệt sĩ

Mỗi năm, vào dịp tháng Bảy, muôn người Việt Nam thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn/ Ăn quả nhớ người trồng cây”, tri ân và khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng đã không tiếc xương máu, cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước.

Các đồng chí lãnh đạo dâng hoa tại Tượng đài chiến khu du kích Ngọc Trạo huyện Thạch Thành.

Sự hiến dâng máu xương của họ luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm đền ơn, đáp nghĩa, đây là việc làm thường xuyên, nghĩa cử của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Đồng chí Vũ Văn Đạt, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy đã đến từng phần mộ thắp những nén hương thơm tri ân sâu sắc đối với anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Thạch Thành.

Các đồng chí lãnh đạo dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Ngọc Trạo.

Chiến tranh đã đi qua hơn gần nửa thế kỷ nhưng những vết thương mà chiến tranh để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân các thương binh, liệt sỹ vẫn còn đó! Những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại ngoài chiến trường; những thương tật hành hạ người thương binh vì một phần cơ thể các anh đã để lại ngoài trận địa; những nỗi đau về thể xác mỗi khi trái gió trở trời và về tinh thần khi tuổi xuân đã hiến dâng trọn vẹn cho dân tộc, nay trở về đã “quá lứa lỡ thì”, đành ở một mình của người thanh niên xung phong… và nỗi đau mất mát tột cùng cũng như sự cô đơn vò võ, cần nơi nương tựa của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vẫn còn đó nỗi đau tột cùng của những người vợ mất chồng, những người cha, người mẹ mất con và cả những đứa trẻ không bao giờ được gọi bố. Tất cả là minh chứng hùng hồn tố cáo tội ác khôn cùng của chiến tranh, đồng thời là minh chứng sống về lòng yêu nước, tự lực tự cường, tư tưởng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của lớp lớp người Việt Nam. Biết đến bao giờ những vết thương tinh thần và thể xác ấy mới có thể hàn gắn. Dẫu biết vậy, những con người bình dị mà anh hùng ấy vẫn không một chút nuối tiếc, ân hận bởi họ đã cống hiến phần đời mình đẹp nhất của mình cho lý tưởng cao đẹp của cách mạng nước, cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Họ đã sống cuộc đời có ý nghĩa vì nước, vì dân. Những cống hiến to lớn ấy, một ngày  27 - 7 làm sao tri ân cho đủ? Trong những ngày tháng 7 này, để thể hiện sự tri ân, tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, trên khắp mọi miền đất nước đang diễn ra nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa đối với thương binh, người có công và gia đình liệt sỹ. Đây là dịp để tôn vinh những anh hùng, bà mẹ Việt Nam anh hùng đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ.
Đồng chí Lê Xuân Bình, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện thăm tặng quà động viên gia đình thương binh  1/4  Nguyễn Văn Đức, thường trú tại thôn Quảng Trung, xã Thạch Quảng

Vì vậy, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực: như huy động mọi nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng: Trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước, quan tâm, chăm sóc, thăm hỏi các gia đình chính sách, người có công và thân nhân của người có công với Tổ quốc vào các dịp Tết nguyên đán, ngày thương binh, liệt sĩ, tổ chức cho người có công đi điều dưỡng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người có công và thân nhân, trợ cấp lương tuất cho thân nhân nuôi dưỡng thương, bệnh binh nặng…

Đồng chí Bùi Thị Định, Ủy viên BTV huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình thương binh nặng 1/4  Hà Quốc Lập, thường trú tại thôn Tiên Hương xã Thành Tân, huyện Thạch Thành.

Đối với các gia đình khó khăn về nhà ở, Nhà nước đã hỗ trợ xây nhà. Công tác phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Việc chăm sóc, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ luôn được thực hiện vào các ngày lễ lớn. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tuy có nhiều khó khăn, thường xuyên tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, sự tri ân những công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đối với đất nước luôn được chú trọng thực hiện. Các hoạt động giáo dục truyền thống, về nguồn, nói chuyện với các nhân chứng lịch sử, cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, về quê hương, đất nước và con người luôn được lồng ghép vào hoạt động của công tác đoàn, đội. Trong các dịp lễ, tết, tháng thanh niên, mùa hè tình nguyện, đoàn viên và thanh niên tích cực tham gia các hoạt động hướng về công tác đền ơn đáp nghĩa. Trong chiến dịch Mùa hè tình nguyện, đoàn viên, thanh niên, học sinh được tuyên truyền về lịch sử ra đời và ý nghĩa của ngày thương binh, liệt sĩ 27 - 7, tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách; xây mới và sửa chữa căn nhà cho các gia đình chính sách; tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm, các di tích lịch sử văn hóa, đoàn viên, thanh niên tham gia; tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang mỗi năn tháng bảy về. Các địa phương và ngành chức năng còn chú trọng nâng cao đời sống các gia đình có công với cách mạng thông qua việc: Giúp vốn làm ăn; miễn giảm học phí, tặng học bổng cho con em gia đình chính sách được tiếp bước đến trường, giới thiệu việc làm...

So với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và những tổn thất lớn lao của các gia đình thương binh, liệt sĩ, việc làm trên thật nhỏ bé, chỉ động viên được phần nào làm vơi bớt nỗi đau thầm lặng của những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha. Vì vậy, ngoài việc tích cực đóng góp vào phong trào đền ơn đáp nghĩa, từng gia đình và cộng đồng phải giáo dục con cháu đời sau đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đời đời biết ơn thế hệ các anh đã ngã xuống, đổi lấy hòa bình, độc lập, tự do cho hôm nay. Qua đó, gắn trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ gìn giữ độc lập và xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Thế hệ tương lai của đất nước hôm nay, tự hứa với lòng mình và trước anh linh, hương hồn thế hệ cha anh đã ngã xuống, không ngừng học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra, xây dựng và phát triển đất nước mạnh giàu, mãi xứng đáng với niền tin và sự hy sinh của các thế anh cha anh đã ngã xuống, hy sinh xương máu để cho thế hệ trẻ ngày nay được sống trong hoà bình - hạnh phúc.

Tháng Bảy về là thời gian lắng đọng nhất để mỗi người Việt Nam không chỉ cúi đầu kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn những người đã hy sinh, quên mình vì Tổ quốc, xin được gửi lời tri ân tới những gia đình thương binh, liệt sỹ mà còn thể hiện bằng những việc làm cụ thể thiết thực, góp phần nhỏ bé làm vơi đi nỗi đau của các gia đình có công với Tổ quốc./.

TÌM KIẾM

BANNER LIÊN KẾT

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4

    Hôm nay: 326

    Đã truy cập: 2089297