Ngày hội quảng bá hàng hóa đặc trưng khu vực miền núi xứ Thanh

Đã trở thành hoạt động thường niên, UBND tỉnh Thanh Hóa đều tổ chức hội chợ thương mại riêng cho các huyện miền núi của tỉnh. Đây là dịp để đồng bào, các cơ sở sản xuất, chính quyền các huyện khó khăn và xa xôi nhất của tỉnh trưng bày, quảng bá sản phẩm và giao lưu học tập kinh nghiệm, phát triển giao

Người dân đến tham quan, mua sắm các sản phẩm từ khu vực miền núi của tỉnh tại Hội chợ Thương mại miền Tây Thanh Hóa 2023.

Từ chiều muộn ngày 15/12, khi chương trình khai mạc Hội chợ Thương mại miền Tây Thanh Hóa năm 2023 còn chưa diễn ra, sân vận động huyện miền núi Thạch Thành đã tấp nập bà con trong vùng đến tham quan, mua bán hàng hóa. Từ công tác tuyên truyền trước đó, nhiều người dân ở các xã cách trung tâm huyện cả chục cây số cũng nắm được thời gian tổ chức sự kiện nên háo hức tìm về. Chị Nguyễn Thị Thành, người dân xã Thành Hưng, sinh sống cách địa điểm tổ chức hội chợ hơn 5 km cũng đưa các con đến chung vui. “Chúng tôi là người dân miền núi, ít có dịp được dự một hội chợ bày bán và giới thiệu nhiều hàng hóa đến vậy. Có đến đây mới thấy được sự phát triển sản xuất của các huyện miền núi trong tỉnh phong phú đến thế. Không chỉ với mục đích mua sắm, mà tôi còn đưa các con đến trải nghiệm” - chị Thành bày tỏ.

Tại đây, các loại hàng hóa đặc trưng của khu vực 11 huyện miền núi xứ Thanh “trăm hoa đua nở”, bày bán giới thiệu rộng khắp đến đông đảo khách hàng. Từ các lâm - thổ sản như hạt dổi, hạt mắc khẻn, măng rừng đến những sản phẩm trồng trọt như khoai mán, hoa quả đặc trưng; hàng chục loại sản phẩm đồ gia dụng từ tre luồng, dao đi rừng đến các sản phẩm chăn nuôi như vịt Cổ Lũng, gà đồi, thịt trâu khô... tất cả đều được các huyện giới thiệu mang theo niềm tự hào bởi nó có tính đặc trưng và kết tinh cả văn hóa truyền thống của mỗi vùng rừng núi.

Gian hàng trưng bày sản phẩm của huyện Lang Chánh.

Đại diện cho gian hàng huyện vùng biên Lang Chánh, chị Hà Thị Xem đến từ bản Vặn, xã Yên Thắng tự tin giới thiệu nhiều sản phẩm truyền thống địa phương như đũa luồng, hạt dổi, sản phẩm OCOP “Muối mắc khẻn Mường Đeng”. Theo chị, “Nếu không có hội chợ thương mại như thế này, chắc không có nhiều người biết đến những sản phẩm đặc trưng ở địa phương vùng sâu vùng xa như Yên Thắng. Qua hội chợ tương tự được tổ chức những năm trước, nhiều người đã biết đến nên sản phẩm địa phương ngày càng vươn xa. Nhiều khách hàng thấy được chất lượng các sản phẩm đã đạt các tiêu chuẩn như OCOP, có hạn sử dụng, mã vạch... nên có cái nhìn khác về sản phẩm của đồng bào vùng cao sản xuất. Từ đó, các cơ sở sản xuất địa phương có thể gửi bán online, phát triển thị trường sản phẩm với số lượng ngày càng lớn hơn”.

Sự kiện hội chợ lần này được UBND tỉnh tổ chức tại huyện Thạch Thành với quy mô 230 gian hàng của các địa phương, hiệp hội, làng nghề, các doanh nghiệp tiêu biểu trong tỉnh; các doanh nghiệp đến từ các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La. Để tạo sự phong phú cho hội chợ, ban tổ chức cũng mời một số cơ sở sản xuất ở đồng bằng tham gia, trong đó có hàng chục sản phẩm nước mắm, hải sản khô, hải sản chế biến... Hội chợ được coi là dịp để tỉnh Thanh Hóa nói chung và 11 huyện miền núi của tỉnh nói riêng đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, lợi thế; giới thiệu các thành tựu kinh tế - xã hội, các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu, có thế mạnh của địa phương; mở rộng giao lưu, liên kết, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ cùng phát triển giữa các ngành, đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh.

Loay hoay sắp xếp, giới thiệu sản phẩm đặc trưng như một nhân viên bán hàng chuyên nghiệp, ông Phạm Quang Đại, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện Mường Lát bày tỏ sự tự hào với 3 sản phẩm OCOP vùng biên. Gạo nếp Cay Nọi, thịt trâu gác bếp, bí thơm Đồng Sa đều là sản phẩm của đồng bào Mông, Thái, đã vượt qua được quy mô sản xuất nhỏ lẻ và các quy chuẩn khác để trở thành hàng hóa. Đánh giá cao ý nghĩa của hội chợ lần này, người đại diện cho gian hàng của huyện xa và khó khăn nhất tỉnh, chia sẻ: “Được tỉnh và các ngành tạo điều kiện cho các huyện miền núi tham gia hội chợ, Mường Lát coi đây là cơ hội. UBND huyện hỗ trợ kinh phí, giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng đưa nhiều hàng hóa tiềm năng đi giới thiệu. Đây là dịp thúc đẩy phát triển giao thương giữa các địa phương miền núi, tạo cầu nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Khi sản xuất được thúc đẩy phát triển, sẽ giải quyết thêm việc làm cho đồng bào, góp phần vào quá trình xóa đói, giảm nghèo của huyện chúng tôi”.

Hội chợ Thương mại miền Tây Thanh Hóa năm 2023 là cơ hội giới thiệu sản phẩm cho các huyện miền núi của tỉnh.

Nhìn lại quá trình chuẩn bị, hiếm có sự kiện thương mại nội bộ cấp tỉnh nào lại được quan tâm như Hội chợ Thương mại miền Tây Thanh Hóa năm 2023 lần này. Ngay từ những tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị để thảo luận phương án, quy mô, địa điểm tổ chức. Ngày 7/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 153 đưa ra chương trình cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng sở ngành, đơn vị chủ nhà huyện Thạch Thành cũng như các địa phương miền núi triển khai các nhiệm vụ liên quan. Với gần 1 năm lên kế hoạch và chuẩn bị cũng phần nào cho thấy UBND tỉnh xác định tầm quan trọng của sự kiện. Đây chính là cơ hội tốt để các huyện miền núi của tỉnh tranh thủ quảng bá tiềm năng, lợi thế, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi liên kết sản xuất, thu hút đầu tư...

Phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi khẳng định: “Khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh không chỉ đối với tỉnh Thanh Hóa, mà còn đối với cả khu vực và quốc gia. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn dành nhiều sự quan tâm đến phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm”.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XIX cũng lựa chọn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa là một trong 6 chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh cũng đã ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của các địa phương khu vực miền núi đạt mức tăng trưởng bình quân 20%/năm; đến năm 2025, xây dựng thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng, đặc sản, có tiềm năng, lợi thế của các địa phương miền núi, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong tỉnh, trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Hội chợ lần này hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển thương mại gắn với quy mô, đặc điểm sản xuất, kinh doanh của các địa phương khu vực miền núi, từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập và mức sống của Nhân dân các địa phương miền núi với các địa phương thành thị và đồng bằng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Hàng trăm sản phẩm hàng hóa là thành tựu sản xuất của khu vực miền núi được trưng bày, giới thiệu đến ngày 20/12/2023. Cùng với các hoạt động tại hội chợ, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc kết nối, giao lưu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, xem việc tổ chức kênh phân phối hàng hóa ở khu vực miền núi là một biện pháp lâu dài và hữu hiệu nhằm khắc phục khó khăn, vươn lên, phát triển, với tinh thần tự lực, tự cường, hướng tới tự chủ.

Nhóm PV

TÌM KIẾM

BANNER LIÊN KẾT

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 11

    Hôm nay: 202

    Đã truy cập: 2079703