Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng các đại biểu tại điểm cầu Thanh Hóa.

Tại điểm cầu huyện Thạch Thành, tham dự có đồng chí Trần Bá Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đơn vị có liên quan.

Các đại biểu tại điểm cầu huyện Thạch Thành.

Theo đánh giá, trong năm 2023, thời tiết và khí hậu nước ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO ở trạng thái El Nino, toàn quốc đã xảy ra 1.964 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai. Đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng và là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền.

Thiên tai đã làm 1.129 người chết, mất tích, nhiều tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân ước tính trên 9.324 tỷ đồng. Nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, độc, xạ, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 8 đợt không khí lạnh, gây ra 3 đợt rét đậm, rét hại diện rộng, 3 đợt mưa diện rộng tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng xuất hiện diện rộng và kéo dài. Từ đầu năm 2024, các trận thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.

Điểm cầu các địa phương trong tỉnh.

Tại hội nghị, đại biểu điểm cầu các địa phương và đại diện các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế đã thảo luận, ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác PCTT&TKCN năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại trong công tác PCTT&TKCN, như: vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, công trình PCTT nói riêng còn thấp; việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn; việc thành lập đội xung kích PCTT cấp xã có nơi còn hình thức; công tác dự báo, cảnh báo sớm, đối với một số hình thái thiên tai cực đoan còn chưa được kịp thời, đầy đủ; nguồn lực cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, cảnh giác trong công tác PCTT&TKCN từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT&TKCN.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành có liên quan của Trung ương và các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản pháp luật và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTT&TKCN.

Cùng với đó, các bộ, ban, ngành, địa phương cần kiện toàn lại bộ máy PCTT&TKCN và phòng thủ dân sự; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát trước mùa mưa bão; nâng cao chất lượng dự báo, năng lực điều hành của từng địa phương; huy động các nguồn lực để thực hiện công tác PCTT.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong công tác dự báo, hỗ trợ PCTT&TKCN.

T/h: Bùi Hương - Quang Trị

TÌM KIẾM

BANNER LIÊN KẾT

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 10

    Hôm nay: 582

    Đã truy cập: 2079106