Chiến khu du kích Ngọc Trạo: mốc son trong lịch sử cách mạng Thanh Hóa
Sau khi ra đời năm 1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh, tích cực chuẩn bị mọi mặt về tổ chức và lực lượng cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay Nhân dân. Trong đó, sự ra đời của chiến khu du kích Ngọc Trạo cách đây tròn 80 năm là một mốc son lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành mới của phong trào cách mạng Thanh Hóa. Đây là cũng một trong những chiến khu du kích đầu tiên của cả nước.
Ảnh tư liệu
Tình hình cách mạng Việt Nam cuối những năm 1940, đầu những năm 1941 có những diễn biến mới, hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì và cuộc binh biến Đô Lương đã diễn ra ở 3 miền Bắc – Trung – Nam, tuy thất bại nhưng là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc sớm muộn cũng diễn ra. Hội nghị trung ương Đảng đầu năm 1941 nêu rõ “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang và phải xúc tiến ngay công tác cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi”.
Tại Thanh Hóa đầu những năm 1941 phong trào cách mạng tại các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Yên Định phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên vấp phải sự uy hiếp của thực dân Pháp. Vì vậy cần thiết phải có một chiến khu cách mạng bí mật, an toàn để xây dựng lực lượng vũ trang quân sự chuẩn bị tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang lật đổ chính quyền thực dân phong kiến.
Đầu tháng 6/1941, Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng tại làng Phúc Tỉnh (xã Yên Thịnh huyện Yên Định) đã chủ trương xúc tiến nhanh việc xây dựng căn cứ địa cách mạng trong tỉnh. Tỉnh uỷ phân công các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Đặng Văn Hỷ, Trần Tiến Quân về Ngọc Trạo -Thạch Thành xây dựng chiến khu cách mạng và thành lập đội du kích chiến khu.
Ngọc Trạo- mảnh đất giàu truyền thống cách mạng được chọn làm căn nơi xây dựng chiến khu. Ngay từ thuở phong trào Cần Vương, đất và người Ngọc Trạo đã từng là căn cứ, che chở, bảo bọc cho nghĩa quân của Tống Duy Tân. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, quần chúng nhân dân Ngọc Trạo được giác ngộ rất sớm, tích cực tham gia các tổ chức cách mạng, các phong trào đấu tranh. Về mặt địa thế, vùng đất này đặc biệt hiểm yếu, được núi rừng bao phủ, cách xa tỉnh lỵ, lại tiếp giáp với nhiều địa bàn quan trọng như Vĩnh Lộc, Hà Trung, Ninh Bình…; do đó, xây dựng căn cứ ở đây, vừa dễ che mắt kẻ thù, lại vừa thuận tiện để các lực lượng, tổ chức Đảng bắt liên lạc với nhau.
Ngày 10/7/1941, mười một đội viên du kích ở các nơi trong tỉnh đã được chọn về Ngọc Trạo để làm công tác chuẩn bị cho Ban lãnh đạo chiến khu và cơ quan ấn loát về làm việc. Nhờ thực hiện tốt phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm, các chiến sĩ cách mạng đã nhanh chóng hoà nhập và gắn bó với quần chúng nhân dân. Mọi hoạt động của Chiến khu Ngọc Trạo đều đặt dưới sự chỉ huy của ban lãnh đạo. Đầu tháng 9/1941, Ban lãnh đạo chiến khu quyết định cử một số cán bộ về các cơ sở cách mạng trong tỉnh tuyển chọn thêm lực lượng du kích, vận động quần chúng quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm và thuốc men; đồng thời, Ban lãnh đạo còn cử cán bộ đi liên lạc với xứ uỷ Bắc Kỳ xin vũ khí và cán bộ về Ngọc Trạo tham gia huấn luyện du kích. Chiến khu cách mạng Ngọc Trạo đã từng bước được hình thành, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trong cả tỉnh.
|
Chiến khu Ngọc Trạo ra đời là tiếng trống đồng hoà tấu vào bản hợp xướng hào hùng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, chứng minh một cách hùng hồn với đồng bào đồng chí cả nước rằng: Thanh Hoá đã sẵn sàng vùng lên quật khởi, lật đổ chế độ phong kiến thực dân.
thachthanhtv.vn