Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và Phòng thủ dân sự (PTDS) năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Chiều ngày 9/5, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023. Các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh; Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực, chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Tại điểm cầu huyện Thạch Thành.
Tại điểm cầu huyện Thạch Thành, tham dự có đồng chí Đinh Văn Hưng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện; Trưởng ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện.
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 12 trận thiên tai; trên đất liền xảy ra 392 vụ tai nạn, sự cố; trên biển và khu vực biên giới xảy ra 29 vụ tai nạn. Thiên tai đã làm 01 người chết, nhiều hồ chứa, công trình thuỷ lợi, đê điều, giao thông bị hư hỏng; ước tính giá trị thiệt hại khoảng 679 tỷ đồng.
Với ý thức chủ động của các cấp, các ngành và Nhân dân, công tác chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" đã được quan tâm, triển khai thực hiện chu đáo nên đã giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra. Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai, tai nạn đuối nước do chủ quan, bất cẩn, nhất là sau khi mưa, lũ xảy ra; nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng được trước sự tác động ngày càng khốc liệt của thiên tai; việc chuẩn bị và thực hiện phương châm "4 tại chỗ" ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác thông tin, tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, bài bản, thiếu kịp thời, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu khai mạc
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh.
Các ngành, các địa phương kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, tiếp tục tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai; nâng cấp công trình thuỷ lợi, đê điều; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với công tác phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và chia sẻ thông tin về phòng chống thiên tai; đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ và Nhân dân, nhất là người sống trong vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai và ngư dân, trong việc nâng cao tinh thần trách nhiệm và nhận thức về phòng, chống thiên tai…
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, biểu dương và ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã phân tích, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn tâm lý chủ quan ở một số cấp ngành, địa phương và người dân; kế hoạch, kịch bản phòng chống thiên tai ở một số nơi còn mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng lúng túng khi triển khai các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn… Đây là những vấn đề cần phải khắc phục ngay để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai.
Về nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: thiên tai được dự báo ngày càng bất thường, phức tạp, khó lường; những hình thái thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng phổ biến. Do vậy, các thành viên Ban Chỉ huy, các ngành, địa phương cần tập trung lãnh chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra; phải xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng để quán triệt và giữ vững nguyên tắc: không chủ quan, lơ là, nhưng cũng không hoang mang, lúng túng khi có tình huống xảy ra; chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, trong đó phòng ngừa là cơ bản, là trọng tâm; phải huy động cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Khi có tình huống, sự việc xảy ra, phải tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản theo tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các ngành, địa phương bổ sung, hoàn thiện các phương án, kịch bản ứng phó với thiên tai, thảm hoạ sát tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên; các công việc này hoàn thành trước ngày 15/5/2023. Các ngành, địa phương rà soát, đánh giá các công trình phòng chống thiên tai để có phương án khắc phục, nâng cấp nếu cần thiết. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, truyền thông các biện pháp phòng chống thiên tai tới người dân, nhất là trong vùng có nguy cơ cao; đảm bảo chế độ thông tin kịp thời tới Ban Chỉ huy các cấp và tới Nhân dân, không để bị động, trống thông tin. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy nâng cao tinh thần trách nhiệm, nắm vững, sát sao với địa bàn được phân công phụ trách, kiên quyết không để bị động, bất ngờ trước các tình huống thiên tai, thảm hoạ có thể xảy ra./.