Thạch Thành phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM đã lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, huy động sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân vùng nông thôn trên địa bàn huyện Thạch Thành. Từ đầu năm đến nay, huyện đã huy động các nguồn lực tiếp tục thực hiện các tiêu chí NTM đối với cấp xã và cấp huyện. Trong đó, huyện chỉ đạo các xã tập trung hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí về vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất, như hệ thống kênh mương, hồ thủy lợi,...
Người dân xã Thạch Định cải tạo vườn tạp, phát triển mô hình trồng cây ăn quả, nâng cao thu nhập.
Theo bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả tại các xã với nhiều hình thức. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế gắn với XDNTM; nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả có múi; thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và vận động Nhân dân phát triển diện tích trồng cây ăn quả có liên kết đầu ra, góp phần tăng giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt, tạo chuyển biến trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, Thạch Thành đã thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cam Vân Du” cho các sản phẩm cam của huyện để quảng bá thương hiệu cho sản phẩm. Đến nay, diện tích cây ăn quả có múi (cam, bưởi) trên địa bàn huyện đạt 600 ha.
Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ các đơn vị, chủ thể sản xuất tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đầu năm nay, huyện Thạch Thành đã xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tham gia. Theo đó, huyện hỗ trợ cho các sản phẩm được công nhận 3 sao là 30 triệu đồng/sản phẩm; 4 sao là 50 triệu đồng/sản phẩm; 5 sao là 70 triệu đồng/sản phẩm. Các sản phẩm nếu hoàn thiện hồ sơ và được tăng sao thì sẽ được hỗ trợ bằng 50% so với mức hỗ trợ lần đầu. Ngoài ra, để kịp thời quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm ra thị trường, UBND huyện Thạch Thành đã phối hợp hỗ trợ kết nối cung, cầu thông qua việc tham gia các hội thảo, hội chợ triển lãm, hội chợ trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh do Trung ương, tỉnh tổ chức. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã có thêm 4 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: gạo nếp hạt cau Phú Quý, xã Thạch Bình; bánh lá Tiến Hưng, xã Thạch Định; giò lụa Cường Tâm, xã Thành Hưng; cam Vy Giang, thị trấn Vân Du. Tính chung đến nay, huyện đã có 13 sản phẩm OCOP.
Nhờ thực hiện tốt công tác phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Theo đánh giá của huyện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn đạt 43,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn còn 7,05%. Toàn huyện đã có 18/23 xã đạt tiêu chí thu nhập; 15/23 xã đạt tiêu chí lao động; 15/23 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Cùng với đó, phong trào bảo vệ môi trường tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền huyện Thạch Thành quan tâm, là một trong những điểm nhấn trong XDNTM. UBND huyện đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai thực hiện mô hình “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” tại thôn Hợp Thành, xã Thành Hưng; triển khai thực hiện Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 5-6-2023 của UBND tỉnh về thực hiện các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, khu dân cư kiểu mẫu thuộc Chương trình XDNTM năm 2023 tại thôn Trường Thành, xã Thành Hưng với tổng kinh phí là 1,1 tỷ đồng. Đặc biệt, phong trào xây dựng các tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp” đã lan tỏa sâu rộng trong toàn huyện, được Nhân dân tích cực hưởng ứng...
Với nhiều cố gắng, nỗ lực, tính đến tháng 6-2023, huyện Thạch Thành đã có thêm 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (xã Thành Thọ), nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn NTM toàn huyện lên con số 10. Về tiêu chí huyện NTM, đã đạt 3/9 tiêu chí, gồm tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, điện. Các tiêu chí còn lại đạt từ 50 - 70% khối lượng theo tính chất chỉ tiêu quy định.
Bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành cho biết thêm, trong năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu, 7 thôn đạt chuẩn NTM, 2 thôn NTM kiểu mẫu. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2025 về đích NTM.
baothanhhoa.vn