Thạch Thành: Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm tiêu biểu theo chuẩn (OCOP)

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, huyện Thạch Thành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong xúc tiến quảng bá, tư vấn, định hướng, giúp người dân mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương, bước đầu đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn. Hiện huyện có 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sản phẩm OCOP Mật ong Hoa Hưởng

Để các sản phẩm này đến với người tiêu dùng hiệu quả, bên cạnh nâng cao chất lượng thì cần phải xây dựng được thương hiệu để tạo sự tin tưởng. Theo đó, từ nay đến cuối năm, sẽ liên tục tham gia các hoạt động như: Hội chợ Xúc tiến thương mại miền tây Thanh Hóa; Hội chợ kết nối cung cầu tỉnh…

Quy trình sản xuất mật mía Đồng Hương xã Thạch Sơn

Xã Thạch Sơn là một xã trung du miền núi, ngành nghề sản xuất chính của người dân nơi đây là nông nghiệp. Trong đó nghề trồng mía và sản xuất mật mía Thạch Sơn có lịch sử hình thành đến nay đã trên 50 năm, đặc biệt trong những  năm gần đây nhân dân trồng mía đã có nguồn thu nhập ổn định từ nghề sản xuất mật mía. HTX Mật mía Đồng Hương xã Thạch Sơn thơm ngon, sạch, chất lượng, có màu vàng óng đặc trưng, sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào tháng 9 năm 2022. Chia sẻ về việc hình thành hợp tác xã Mật mía Thạch Sơn, bà Tào Thị Cúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Mật mía Thạch Sơn cho hay: Năm 1963 Nhà nước với chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới, nhằm tổ chức, phân bố lại lao động và dân cư trong cả nước, chuyển một khối lượng lớn dân cư từ các vùng đồng bằng và thành phố tới các vùng trung du, miền núi, biên giới, hải đảo… bà con chủ yếu ở huyện Hoằng Hóa di cư lên Thạch Sơn, Thạch Thành để khai hoang phục hóa, xây dựng vùng kinh tế mới đã mang theo nghề làm mật mía và sau đó nghề này được nhân rộng ra trong toàn xã. Ban đầu nó chỉ là các hộ dân nhỏ lẻ, sau khi trải qua rất nhiều những thăng trầm với nghề các hộ dân này đã liên kết lại với nhau để cùng nhau xây dựng phương án kinh doanh, bàn bạc, thống nhất về giá thành sản phẩm và hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh, sản xuất sản phẩm.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP ngày càng được người tiêu dùng đón nhận. Các địa phương cũng tích cực tham gia các sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn. 

Sản phẩm đạt chứng nhận OCop 3 sao bánh lá Lan Như - Cổ Tế

Nhận thức được ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với việc tạo ra việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện Thạch Thành đã đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP và chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể, địa phương đầu tư sản xuất, làm mới những sản phẩm truyền thống để phát triển thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Đặc biệt, huyện Thạch Thành còn thường xuyên quan tâm đến đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, giúp người sản xuất tiếp cận, cập nhật kiến thức, cách nghĩ, cách làm mới, trong đó hướng tới việc chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất, rà soát các nhóm sản phẩm có tiềm năng để hỗ trợ phát triển, hoàn thiện. Đồng thời, đã xây dựng các đề án thành phần nhằm phát triển 5 sản phẩm gồm: Mật ong Thành Kim; Giò lụa Cường Tâm xã Thành Hưng; Cam Vy Giang thị trấn Vân Du; Gạo nếp hạt cau Phú Quý xã Thạch Đồng; Bánh lá Tiến Hưng xã Thạch Định, phấn đấu xây dựng thành các sản phẩm tiềm năng 3 sao cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, huyện Thạch Thành đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP… Giải pháp kết nối tiêu thụ tốt nhất là nâng cao chất lượng, chỉ khi sản phẩm OCOP khẳng định được uy tín mới mong tiếp cận người tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường./.

T/h: Thu Hà

 

 

TÌM KIẾM

BANNER LIÊN KẾT

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 1

    Hôm nay: 48

    Đã truy cập: 2078572