Huyện Thạch Thành: biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023
Ngày 21/10, UBND huyện Thạch Thành đã long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân DTTS sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu năm 2023.
Toàn cảnh hội nghị.
Đến dự có đồng chí Cầm Bá Tường, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, các đồng chí lãnh đạo huyện, đại diện các ban, ngành, đoàn thể và 120 đại biểu là điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Đình Tam, Phó chủ tịch UBND huyện phát biểu khai mạc hội nghị.
Thạch Thành là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, diện tích tự nhiên khoảng gần 55.920 ha, dân số hơn 157.260 người, gồm dân tộc Kinh chiếm 48%, dân tộc Mường chiếm 51%, dân tộc khác chiếm 1%. Toàn huyện có 25 đơn vị hành chính với 23 xã và 02 thị trấn.
Đại biểu tham dự hội nghị.
Trong những năm qua, huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển vùng đồng bào DTTS&MN. Đến nay, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh vùng đồng bào DTTS&MN có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GO), bình quân ước đạt 7,12%/năm, xếp thứ 13 toàn tỉnh; giá trị sản xuất đến năm 2023 (giá so sánh) ước đạt 7.003 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 ước đạt 51,12 triệu đồng, xếp thứ 17 toàn tỉnh, tăng 10,37 triệu đồng so với năm 2020.
Công tác giảm nghèo bền vững được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả cao. Hiện tổng số hộ nghèo là 2.571 hộ, chiếm 7,05% (giảm 6,28% so với cuối năm 2021); tổng số hộ cận nghèo 1.920 hộ, chiếm 5,27% (giảm 2,59% so với cuối năm 2021), dự kiến đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,54%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,96%.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là có sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực vượt khó vươn lên của đồng bào vùng DTTS&MN, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân DTTS trên địa bàn huyện.
Điển hình như ông Bùi Công Bằng, với cương vị là chủ tịch hội đồng giáo xứ Vân Lung và là Người có uy tín thôn Thành Minh, xã Thành. Ông luôn làm tốt công tác tuyên truyền vận động bà con giáo dân trong giáo xứ và đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà Nước, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước. Như trong xây dựng NTM ông đã vận động nhân dân thực hiện bê tông hoá 7,9 km đường liên thôn, 5,3 km đường nội đồng, đóng góp đối ứng xây dựng 2 trường học chuẩn quốc gia với số tiền quyên góp ủng hộ xây dựng hơn 4,2 tỷ đồng, hiện xã Thành Long đã được công nhận xã NTM.
Hay như ông Trương Văn Khắc- Người có uy tín thôn Cẩm Bộ, xã Thành Minh, bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, ông đã tuyên truyền, vận đồng Nhân dân tham gia thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ đó, đã kịp thời phát hiện, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Vận động con cháu trong gia đình không sa vào các tệ nạn xã hội, tránh xa ma túy, không vi phạm pháp luật, không nghe và tin theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu. Vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục, cùng chung sức xây dựng NTM, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đại biểu phát biểu tham luận tại hội nghị.
Không chỉ ông Bằng, ông Khắc mà nhiều Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân DTTS huyện Thạch Thành đã và đang đóng góp tích cực trong phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương. Tiêu biểu như cô giáo Đinh Thị Hường- Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thạch Thành. Trong những năm qua, cô Hường đã có 4 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại A, 2 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại B cấp huyện và 2 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại C cấp tỉnh. Các sáng kiến trên đã được áp dụng có hiệu quả trong công tác quản lý nhà trường đặc thù dân tộc nội trú. Với những thành tích đã đạt được cô Hường luôn đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và được các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Hay như Doanh nhân khởi nghiệp Dương Ngọc Trường, Giám đốc Công ty TNHH Befine có trụ sở tại thôn Bình Sậy, xã Thạch Sơn. Các xưởng sản xuất tinh dầu thiên nhiên của công ty đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 70 người dân thuộc vùng đồng bào DTTS&MN. Đặc biệt, trong xây dựng NMT ông Trường đã có nhiều đóng góp cho địa phương, cũng như hỗ trợ hàng trăm sản phẩm tinh dầu, nước súc miệng phòng, chống dịch Covid-19. Với những thành tích đã đạt được, ông Trường đã nhận được giải thưởng Lương Đình Của lần thứ XVII năm 2022, và nhiều Bằng khen, Giấy khen do các cấp tặng.
Đồng chí Cầm Bá Tường, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Cầm Bá Tường - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh biểu dương và ghi nhận những thành tích, đóng góp quý báu của đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân DTTS huyện Thạch Thành. Từ các phong trào thi đua yêu nước, Thạch Thành xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS trên mọi lĩnh vực.
Các điển hình tiên tiến là “chỗ dựa” vững chắc, là “cầu nối” quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc; là tấm gương sáng, đi đầu, hướng dẫn, cùng với đồng bào DTTS đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… Mong rằng các cá nhân điển hình sẽ tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; củng cố và tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về Phát triển kinh tế-xã hội các xã khó khăn trên địa bàn huyện Thạch Thành, giai đoạn 2021-2025.
Tại Hội nghị, đã có 120 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành tặng Giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Thạch Thành 2021- 2023./.
T/h: Bùi Hương - Lưu Bằng