Nâng cao hiệu quả sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại huyện Thạch Thành
Sáng 15/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hoá (gọi tắt là Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo khoa học phản biện “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tích tụ, tập trung đất đai sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá” (gọi tắt là Đề án).
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa Nguyễn Văn Phát phát biểu tại hội thảo
Căn cứ vào dự thảo đề án và các tài liệu liên quan do UBND huyện Thạch Thành gửi đến Liên hiệp hội, ý kiến của các thành viên Hội đồng phản biện và các chuyên gia, Liên hiệp hội đã xây dựng thành báo cáo (mang tính đề dẫn) phục vụ hội thảo phản biện Đề án.
Các đại biểu dự hội thảo
Dự thảo Đề án được xây dựng với bố cục, kết cấu phù hợp, thống nhất với đề cương Đề án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định số 2572/QĐ-UBND ngày 18/7/2023). Các nội dung cơ bản nêu được thực trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện gắn với tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp giai đoạn 2016-2022; nhận đình những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân ảnh hưởng. Từ đó, xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2023-2030.
Toàn cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận đều cơ bản thống nhất với sự cần thiết phải xây dựng Đề án; đồng thời cần làm rõ hơn các nội dung trọng tâm liên quan đến việc xây dựng Đề án như: Việc đánh giá thực trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp huyện Thạch Thành giai đoạn 2016-2022. Các nội dung cần thể hiện được những thuận lợi của điều kiện tự nhiên đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp của huyện (cần dẫn chứng số liệu về đặc điểm tự nhiên). Đồng thời, chỉ ra những khó khăn, thách thức để thực hiện 4 đối tượng chính của đề án. Ngoài ra, cần trình bày rõ đối với từng đối tượng, không trình bày lan man, xen lẫn nội dung này với nội dung khác và giữa các đối tượng.
Về tiềm năng phát triển chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nội hàm được trình bày trong các tiểu mục cần chỉ ra được những mặt thuận lợi và khó khăn tác động đến từng đối tượng của đề án.
Về phẩn kết quả đạt được cần bám sát vào đối tượng, phạm vi của đề án để lựa chọn sát, đúng nội dung, nội hàm các vấn đề trình bày trong đề án.
Nội dung đánh giá về những hạn chế, yếu kém không rõ, còn chung chung. Do đó, đề án cần tập trung làm rõ các hạn chế, yếu kém chi tiết trong từng đối tượng của đề án, vì đây là nội dung rất quan trọng liên quan đến việc xác định mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp của đề án.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cũng cần phải cụ thể hoá các công việc và xác định rõ thời gian thực hiện từng công việc.
Các ý kiến tham gia nhận xét, đánh giá của các thành viên Hội đồng khoa học phản biện và các nhóm chuyên gia sẽ là căn cứ để đơn vị xây dựng dự thảo quy định chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Baothanhhoa.vn