Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Sáng 25/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và Phòng thủ dân sự (PTDS) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu huyện Thạch Thành.

Tại điểm cầu huyện Thạch Thành, tham dự có đồng chí Đinh Văn Hưng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện; Chủ tịch Ủy ban MTTQ và Trưởng các đoàn thể cấp huyện; thủ trưởng các phòng, ban; thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 25 trận thiên tai, bao gồm: 5 trận lốc, 7 đợt mưa lớn, 1 cơn bão và 12 đợt nắng nóng. Tai nạn, sự cố xảy ra 803 vụ, gồm: 625 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, 102 vụ cháy, 31 vụ đuối nước và 45 vụ tai nạn trên biển.

Thiên tai đã làm 3 người chết, 230 nhà bị hư hỏng; 17 điểm trường bị ảnh hưởng; 953 ha lúa, 1.241 ha hoa màu, rau màu và 1.033 ha cây hàng năm bị thiệt hại; 1.705 con gia súc, gia cầm bị chết; 474m đê cấp IV, bờ bao và 3.260m bãi sông bị sạt lở; 12.187m kênh, 1 trạm bơm, 11 cống bị hư hỏng; 6.215m quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, xã bị sạt lở hư hỏng và nhiều tài sản khác. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường báo cáo công tác PCTT, TKCN và PTDS năm 2023, nhiệm vụ năm 2024.

Để ứng phó với sự cố thiên tai trong năm 2023, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh đã ban hành 21 công điện và các văn bản chỉ đạo điều hành các cấp, các ngành triển khai các biện pháp sát với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời ban hành và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai hiệu quả các đề án, kế hoạch, phương án PCTT, TKCN; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT tại các huyện, thị xã, thành phố, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai lớn gây thiệt hại nặng nề trong những năm trước đây...

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh.

Đặc biệt, ngay sau khi xảy ra thiên tai, sự cố, với phương châm “4 tại chỗ” cùng sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và người dân, công tác khắc phục hậu quả do thiên tai, sự cố gây ra được thực hiện khẩn trương và hiệu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân.

Các điểm cầu tham dự hội nghị (ảnh chụp màn hình).

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, bị thương do sự cố, thiên tai; huy động lực lượng, phương tiện để giúp Nhân dân dọn dẹp, tu sửa nhà cửa, hướng dẫn khôi phục diện tích cây trồng bị hư hại do thiên tai gây ra; tổ chức khắc phục các sự cố; đồng thời thực hiện thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá thực trạng, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn PCTT, TKCN tại các đơn vị, địa phương. Đặc biệt là phương án xử lý các điểm nguy cơ xảy ra sạt lở, cảnh báo lũ ống, lũ quét trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa; việc bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn tại huyện Như Xuân cũng như các huyện miền núi khác... Đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đáp ứng yêu cầu PCTT, TKCN trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai, các địa phương có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai cụ thể, chi tiết để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Yêu cầu các ngành, địa phương làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng triển khai khi có tình huống xảy ra. Đồng thời chủ động các giải pháp khắc phục khẩn trương, kịp thời các sự cố thiên tai, sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các thành viên Ban chỉ đạo các cấp phải tăng cường nắm bắt tình hình, địa bàn phụ trách, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề phát sinh. Các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Hình thức thông tin phải đa dạng, nội dung thông tin bảo đảm nhanh, kịp thời, đặc biệt là những thông tin cảnh báo để phục vụ tốt nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải bảo đảm sự thống nhất trong chỉ huy, trong thông tin từ tỉnh đến cơ sở. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các đơn vị, địa phương làm tốt công tác bảo đảm an toàn ở các công trình đang thi công trong mùa mưa bão, tránh để xảy ra những sự cố đáng tiếc ảnh hưởng đến tính mạng người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn mong muốn các ngành, các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sẵn sàng các phương án khi cần thiết; không để xảy ra sự cố lớn ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của Nhân dân.

Theo baothanhhoa.vn

TÌM KIẾM

BANNER LIÊN KẾT

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 9

    Hôm nay: 434

    Đã truy cập: 2020620