Lật tẩy thủ đoạn tinh vi của ổ nhóm tín dụng đen cho vay lãi suất gần 200%

Các đối tượng thường giao dịch kín đáo, dùng nhiều thủ đoạn ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, hợp thức hóa giấy tờ... Với chiêu trò này, các 'con nợ' vay tín dụng đen với lãi suất 'cắt cổ' lên đến hơn 182%/ năm.

Ảnh: Công an TP Thanh Hóa lập chuyên án triệt phá tín dụng đen núp bóng công ty tài chính

Nở rộ tín dụng đen núp bóng công ty tài chính.

Thời gian gần đây, trên cả nước bùng phát dịch vụ tín dụng đen núp bóng các công ty dịch vụ tài chính do các đối tượng cộm cán đứng đầu và điều hành cho người vay với lãi suất "cắt cổ" và dùng nhiều biện pháp ép buộc, vũ lực mạnh để thu hồi công nợ.

Cuối năm 2018, Công an TP Thanh Hóa đã xác lập chuyên án T118 triệt phá các ổ nhóm cho vay tín dụng đen núp bóng dưới vỏ bọc của các công ty dịch vụ tài chính.

Để thành lập Ban chuyên án, lực lượng công an đã huy động hơn 300 cán bộ, chiến sỹ tiến hành kiểm tra 32 điểm giao dịch của 5 công ty tài chính nghi hoạt động tín dụng đen tại 14 huyện, thị, thành phố bao gồm: Công ty TNHH dịch vụ tài chính Đại Tín, Công ty TNHH dịch vụ tài chính Thương Tín, Công ty TNHH dịch vụ thương mại Quyền Quý, Công ty TNHH Nam Tiến 36 (đều có địa chỉ tại thành phố Thanh Hóa) và Công ty TNHH Trường Cửu (địa chỉ tại thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa).

Qua kiểm tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra phát hiện nhiều công ty hoạt động tín dụng đen và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 5 đối tượng gồm: Cao Xuân Thu (27 tuổi, trú TP Thanh Hóa, Giám đốc công ty TNHH dịch vụ tài chính Đại Tín); Đỗ Nguyễn Minh Tân (27 tuổi, trú TP Thanh Hóa, kế toán Công ty TNHH dịch vụ tài chính Đại Tín); Lê Phú Lượng (24 tuổi, trú TP Thanh Hóa, Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu); Đỗ Văn Thái (35 tuổi, trú huyện Hoằng Hóa, là quản lý Chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu đóng trên địa bàn huyện Hoằng Hóa) và Trương Đình Tâm (20 tuổi, trú huyện Hoằng Hóa, là nhân viên của Công ty TNHH dịch vụ tài chính Thương Tín).

Tại TP Thanh Hóa, tình trạng tín dụng đen diễn biến phức tạp khi núp bóng các công ty tài chính, đứng đầu các ổ nhóm là các đối tượng cộm cán nằm trong các băng nhóm phạm tội đứng ra thành lập công ty dưới nhiều hình thức kinh doanh như cầm đồ, thuê lại tài sản, xây dựng, vận tải... tổ chức phường, hội, họ để cho vay nặng lãi.

Ảnh: Tiến hành kiểm tra các công ty dịch vụ tài chính

Hoạt động tinh vi, kín đáo

Trong quá trình điều tra, khám xét nơi ở của các đối tượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ 1 quả lựu đạn, 90 vỏ đạn súng quân dụng, 1 bình xịt khí bóng cười, 1 dùi cui điện, 1 bình xịt hơi cay, 20 dao kiếm các loại, 1 ô tô, 20 xe máy, 6 két sắt, 30 điện thoại di động, 19CPU, 8 lap top và hơn 1,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, công an cũng thu giữ nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép đăng ký kinh doanh, nhiều sổ sách, tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay tín dụng, thế chấp.

Theo kết quả điều tra của Công an TP. Thanh Hóa, thủ đoạn của ổ nhóm này hết sức tinh vi, kín đáo khi các đối tượng dùng các thủ đoạn ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự...

Ảnh: Các tài liệu liên quan đến tín dụng đen

Đặc biệt, khi người vay mất khả năng chi trả số tiền đã vay cũng như tiền lãi, thì nhóm đối tượng này đã sử dụng nhiều biện pháp để đòi nợ như: đe dọa, ném chất bẩn; cố ý gây thương tích; hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản; bắt giữ người trái pháp luật… gây mất trật tự tình hình ANTT trên địa bàn.

Để thực hiện trót lọt các giao dịch cho vay với lãi suất cắt cổ, các đối tượng ép buộc con nợ viết giấy bán tài sản của mình, rồi sau đó lại phải thuê lại chính tài sản đó mới có thể được vay số tiền mình cần phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế, mức phí thuê tài sản mà người đi vay phải chịu là từ 3.000 đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tương đương từ 109,5 đến 182,5%/1 năm. Với cách tính này, nhiều khách hàng chỉ vay 30 triệu đồng, nhưng chỉ sau 1 năm đã phải trả hơn 100 triệu đồng tiền lãi mà vẫn chưa thể trả hết số nợ.

Ảnh: Đối tượng Cao Xuân Thu tại cơ quan Công an

Không chỉ vậy các tổ chức tín dụng đen này còn cho vay theo hình thức "vay thăm" với số tiền từ 10 triệu đồng đến 60 triệu đồng 1 bát thăm, kỳ hạn 50 ngày.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm hoạt động, tổng số lượt giao dịch của 5 công ty này lên tới con số hơn 7.000 lượt giao dịch với tổng số tiền là hơn 72 tỷ đồng ở 32 chi nhánh ở khắp các huyện, thị, thành phố trên địa bàn với hoạt động điều tiết vốn cho vay chuyên nghiệp.

TÌM KIẾM

BANNER LIÊN KẾT

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 9

    Hôm nay: 449

    Đã truy cập: 2022514