Nghiêm trị việc lợi dụng quyền tự do, dân chủ, mạng xã hội xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước

Hành vi lợi dụng quyền tự do, dân chủ, mạng xã hội (MXH) xuyên tạc, xâm phạm an ninh, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Các đối tượng triệt để sử dụng MXH, đăng bài, đưa hình ảnh sai sự thật, nói xấu đất nước, phỉ báng chế độ, chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức...

Lực lượng chức năng Công an tỉnh tăng cường công tác đấu tranh với các thế lực thù địch gây bất ổn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ảnh: Lê Phượng

Giữa tháng 5-2020, giả mạo là giám đốc một doanh nghiệp ở TP Thanh Hóa, Nguyễn Quốc Hưng, sinh năm 1979, trú tại TP Hà Nội lấy lý do gặp gỡ, trao đổi công việc để tiếp cận với 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại phòng làm việc của 2 vị lãnh đạo này, Hưng cố tình tặng quà, tiền và lén quay lại video. Đoạn video này nhanh chóng trở thành công cụ để Hưng cùng đồng bọn uy hiếp, yêu cầu các đối tượng phải bỏ ra khoản tiền 25 tỷ đồng để mua lại sự im lặng. Đoạn video còn được tung lên MXH nhằm bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của các lãnh đạo này.

Ngay sau khi nhận được báo cáo từ cấp ủy, chính quyền và bản thân 2 đồng chí lãnh đạo UBND thị xã Nghi Sơn, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh lập án đấu tranh, điều tra, làm rõ. Trong quá trình đấu tranh, Phòng Cảnh sát hình sự đã xác định: Chủ mưu trong vụ việc này là đối tượng Lê Xuân Hoàng, sinh năm 1978, trú tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Căn cứ trên những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 đối tượng liên quan gồm: Lê Xuân Hoàng, Nguyễn Quốc Hưng, Lê Trần Sính, Lê Trần Tiến Đạt, Phạm Văn Ân và Lê Doãn Tài về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Đây là vụ việc hết sức phức tạp. Cầm đầu ổ nhóm tội phạm này là đối tượng Lê Xuân Hoàng - một đối tượng đã từng có thời gian làm việc trong một cơ quan bảo vệ pháp luật tại TP Hà Nội, bị kỷ luật, ra khỏi ngành, Hoàng đã cầm đầu một ổ nhóm chuyên đi cưỡng đoạt tài sản. Với thủ đoạn hết sức tinh vi, Hoàng đã lên kịch bản chi tiết, phân vai cho từng đối tượng trong ổ nhóm, trong đó 2 đối tượng Phạm Văn Ân và Lê Doãn Tài là các phóng viên của một cơ quan báo chí. Các đối tượng trong ổ nhóm này không biết nhau, nhiệm vụ được Hoàng phân công đến đâu, giai đoạn nào là dừng ở đó nên quá trình điều tra, đấu tranh hết sức khó khăn.

Trước đó, ngày 10-7-2020, cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1974 ở huyện Đông Sơn về hành vi sử dụng tài khoản facebook mang tên “Thanh Hoa Sai Gon” (Thanh Hóa Sài Gòn) và “Hai Phan” (Hải Phan) đăng tải, chia sẻ các bài viết xuyên tạc, bôi nhọ danh dự các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Theo điều tra của cơ quan công an, các đối tượng trên cùng có chung một điểm là lợi dụng MXH để đăng tải các thông tin sai lệch, chống đối gây bất ổn tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây hoang mang tư tưởng, dư luận Nhân dân. Hành vi xâm phạm an ninh, chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị và lực lượng thù địch triệt để sử dụng MXH, facebook, blog, đăng bài, đưa hình ảnh sai sự thật, nói xấu đất nước, phỉ báng chế độ, chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thông qua lập và sử dụng hàng ngàn website, MXH, blog, diễn đàn trực tuyến. Chúng liên tục mở các chiến dịch tuyên truyền chống phá với các phương thức chủ yếu như: Tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; kêu gọi tập hợp lực lượng, hình thành và công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trá hình trên không gian mạng; sử dụng internet để công khai bày tỏ quan điểm đối lập, lôi kéo, phát triển lực lượng và hoạt động chống phá; lợi dụng các vấn đề nhạy cảm chính trị - xã hội, vụ việc phức tạp thu hút sự quan tâm của quần chúng để kích động biểu tình, gây bất ổn về an ninh trật tự... Một trong những phương thức mà các đối tượng gia tăng hoạt động chống phá trên mạng internet trong thời gian gần đây là xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh bằng các bài viết xuyên tạc, đả kích, âm mưu của chúng nhằm phá hoại nội bộ hòng gây chia rẽ trong lãnh đạo cấp cao, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi và làm suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Chia sẻ về tình trạng thông tin xấu, độc, sai lệch trên MXH tại hội nghị tập huấn kỹ năng nhận diện, phòng, chống thông tin xấu, độc trên internet và MXH do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Các thông tin tiêu cực như thông tin sai lệch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá Nhà nước... chủ yếu xuất hiện ở trang tin không rõ nguồn gốc, trên các MXH nước ngoài như YouTube và facebook do các thế lực thù địch, các cá nhân bất đồng chính kiến lập nên nhằm mục đích tung tin giả, gây nhiễu loạn thông tin, gây mất ổn định xã hội. Nhiều quảng cáo của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên YouTube do Google quản lý vận hành được đính kèm những clip phản động, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Facebook nhan nhản tài khoản giả mạo cá nhân, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dung túng nhiều tài khoản quảng cáo bất hợp pháp, cho phép người mua bỏ tiền để thuê phát tán nói xấu người khác. Qua theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông, các video clip có nội dung phản động, xấu độc, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong số 130.000 kênh do YouTube trực tiếp quản lý. Trong đó, đáng chú ý có khoảng 80 kênh phản động chuyên nghiệp, thường xuyên đăng tải thông tin, tuyên truyền chống phá Nhà nước như Việt Tân, Tiếng Dân, Đệ tam Cộng Hòa, Chân trời mới...

Trước đây, các trang MXH nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam gần như chưa bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn do có sự khác biệt về môi trường pháp lý. Tuy nhiên, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26-12-2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, đã tạo cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm phối hợp, gỡ bỏ thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2019 đến nay, qua rà soát, phát hiện sở đã phối hợp với Cục Phát thanh và Truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện gỡ bỏ hơn 50 video xấu, độc trên kênh youtube, đình chỉ trên 80 trang facebook xấu, độc và trang thông tin điện tử đăng tải các thông tin sai trái...

Trước những thách thức về vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc và sai trái, thù địch, Việt Nam cũng như các quốc gia trên toàn cầu đang quyết liệt xây dựng những hàng rào để bảo vệ. Luật An ninh mạng của Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Trên thế giới hiện có hơn 80 quốc gia ban hành quy định pháp luật về an ninh mạng nên việc Việt Nam xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Ngày 1-1-2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực. Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mục tiêu xây dựng Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm: Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh; hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định, tạo hành lang pháp lý về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật đồng bộ, khả thi, bảo đảm trình tự, thủ tục trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành và các văn bản pháp quy khác đi kèm được ban hành tạo hành lang pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của nước ta cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Theo báo Thanh Hoá

TÌM KIẾM

BANNER LIÊN KẾT

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 6

    Hôm nay: 27

    Đã truy cập: 2089341