“Xây dựng Thạch Thành trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nhân dân”

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thạch Thành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Thành lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 6-6-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định: Xây dựng Thạch Thành trở thành huyện NTM vào năm 2025 là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, trên hành trình ấy, huyện Thạch Thành phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu đề ra trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay? Đó là nội dung xoay quanh cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Thanh Hóa và Bí thư Huyện ủy Thạch Thành Vũ Văn Đạt.

Phát huy, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực

Phóng viên (PV): Phong trào xây dựng NTM không chỉ làm thay đổi diện mạo mà thấm sâu vào từng nếp nghĩ, nâng cao đời sống Nhân dân. Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Thạch Thành đã có những chuyển biến như thế nào?

Ông Vũ Văn Đạt: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và triển khai, tổ chức thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM, ban hành Bộ tiêu chí NTM và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh..., huyện Thạch Thành đã đạt được những kết quả quan trọng.

Kinh tế luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất, bình quân ước đạt 7,12%/năm, xếp thứ 13 toàn tỉnh; giá trị sản xuất (giá so sánh) ước đạt 7.003 tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 51,12 triệu đồng, xếp thứ 17 toàn tỉnh, tăng 10,37 triệu đồng so với năm 2020. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn luôn vượt dự toán và tăng trưởng cao. Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2022 đạt 323.224 triệu đồng; nguồn lực huy động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 87.139 triệu đồng.

Các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất tiếp tục được huyện và các xã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và vận động Nhân dân phát triển diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện, có liên kết đầu ra, góp phần tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn huyện đã có 13 sản phẩm OCOP. Nhờ thực hiện tốt công tác phát triển sản xuất, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn đã tạo việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn.

Tính đến tháng 6-2023, huyện Thạch Thành đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM. Toàn huyện có 10/23 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân toàn huyện đạt 14,65 tiêu chí xã NTM. Toàn huyện có 1 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân toàn huyện đạt 10,13 tiêu chí xã NTM. Đến nay, tổng số thôn được công nhận đạt chuẩn NTM toàn huyện là 113/170 thôn, trong đó có 6 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.

Chương trình MTQG xây dựng NTM đã lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, nhất là sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Hệ thống, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức được củng cố, kiện toàn; vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể được phát huy, niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền được nâng cao. Hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển mạnh góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.

PV: Bí quyết làm nên những “trái ngọt” ấy là gì, thưa ông?

Ông Vũ Văn Đạt: Không chỉ riêng huyện Thạch Thành mà tôi tin rằng, ở bất kỳ một địa phương nào, lĩnh vực nào, nhiệm vụ nào cũng vậy, nếu không có lòng quyết tâm và tinh thần đoàn kết, hòa hợp ý Đảng lòng dân thì không thể đi đến thành công, đúng như Bác Hồ từng sâu sắc nhận định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo lời dạy của Bác, những bài học của Đảng; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh trong thời kỳ mới, Thạch Thành xác định xây dựng huyện NTM vào năm 2025 là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, nếu không hoàn thành NTM thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Điều này được thể hiện rất rõ tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Thành lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 6-6-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng Thạch Thành trở thành huyện NTM vào năm 2025.

Tại Nghị quyết số 07-NQ/HU nêu rõ: Quá trình xây dựng NTM thực hiện nhất quán phương châm: “Người dân là chủ thể xây dựng NTM”; phát động phong trào “Chung sức, đồng lòng xây dựng NTM”. Tăng cường học tập, nhân rộng các mô hình hay, các điển hình tiên tiến về xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Việc phân công, phân nhiệm và tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí phải cụ thể, rõ người, rõ việc, lấy sản phẩm làm thước đo cho mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân tham gia trong tiến trình xây dựng NTM.

Nếu quan điểm, định hướng là “kim chỉ nam hành động” thì bước tiếp theo cần phải xác định mục tiêu thật sáng rõ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và lộ trình vươn tới. Chúng tôi đề ra các mục tiêu với những con số cụ thể và hạ quyết tâm cao độ, huy động tối đa các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu ấy nhưng không “tô hồng”, hình thức, duy ý chí mà đi vào thực chất, tạo ra những giá trị bền vững. “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, vừa phát huy vai trò chủ thể của người dân và Nhân dân cũng chính là người thụ hưởng thành quả ấy.

Trên hành trình xây dựng huyện Thạch Thành trở thành huyện NTM vào năm 2025

PV: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tiếp tục xây dựng NTM “toàn diện, nâng cao và bền vững”, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Thạch Thành phải đối mặt với những khó khăn, thử thách ra sao?

Ông Vũ Văn Đạt: Bên cạnh những thuận lợi, tiềm năng, huyện Thạch Thành xây dựng NTM trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, tác động của dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, làm giảm nguồn lực trong Nhân dân khiến cho việc huy động nguồn lực, thu hút đầu tư khó hơn bao giờ hết. Thời gian qua, thị trường bất động sản chững lại khiến cho việc huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực tài chính từ đất không hiệu quả...

Trong khi đó, so với bộ tiêu chí cũ, các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá được quy định trong bộ tiêu chí mới cao hơn, khắt khe hơn, do đó cũng phần nào tạo thêm áp lực cho huyện Thạch Thành nói riêng, các địa phương khác đang trong quá trình phấn đấu xây dựng NTM nói chung.

Ví như ở tiêu chí số 1 (Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021–2025) nêu rõ: 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025). Trong khi đó, huyện Thạch Thành có nhiều xã, thôn, trong đó có 6 xã vừa ra khỏi Chương trình 135, còn biết bao bộn bề. Tương tự như vậy, với tiêu chí 100% số thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh, đối với huyện miền núi như Thạch Thành cũng gặp nhiều cái khó. Các tiêu chí khác như: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung; tỷ lệ công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững... cũng là thách thức lớn của huyện, tạo ra “điểm nghẽn” chung trong việc hoàn thành ttiêu chí cũng như hoàn thành xã, thôn đạt chuẩn NTM.

PV: Nơi nào có ý chí, nơi ấy có con đường. Phương châm “xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc” như mệnh lệnh thúc giục mỗi địa phương luôn nỗ lực tiến về phía trước với tất cả tinh thần, trách nhiệm, trí và lực. Đối với huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như Thạch Thành, huyện đã có giải pháp cụ thể như thế nào để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thử thách, tiến bước trên lộ trình xây dựng NTM?

Ông Vũ Văn Đạt: Xây dựng NTM là trách nhiệm của toàn thể hệ thống chính trị, Nhân dân, trong đó yếu tố con người là cực kỳ quan trọng. Do đó, các cấp ủy đảng tập trung đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, đảm bảo tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Kịp thời rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031 theo thẩm quyền.

Bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội trong xây dựng NTM, huyện xây dựng lộ trình cụ thể cho mục tiêu đề ra, việc dễ tập trung làm trước, thấy khó không nản, năng động, sáng tạo từng bước tháo gỡ.

Trên tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, một mặt, giao UBND huyện xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở, người dân như: Đề án chuyên đề hỗ trợ giáo dục, làm đường, chương trình OCOP... Mặt khác, giao việc cụ thể đến từng phòng, ban, tổ chức đoàn thể - “mỗi năm một chuyên đề, mỗi tháng một sản phẩm” gắn với thi đua - khen thưởng, xây dựng điển hình.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh; phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư lồng ghép từ chương trình, dự án triển khai trên địa bàn để đầu tư, hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng NTM. Huy động lồng ghép các nguồn lực nhằm giải quyết khó khăn về vốn; sử dụng hiệu quả đất đai, các nguồn lực từ Chương trình MTQG xây dựng NTM, vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã, nguồn vốn vay ưu đãi, vốn các chương trình lồng ghép khác (y tế, giáo dục, văn hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể...), vốn tín dụng, vốn từ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế; sự đóng góp của người dân, phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân.

PV: Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện này!

baothanhhoa.vn

 

TÌM KIẾM

BANNER LIÊN KẾT

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 5

    Hôm nay: 224

    Đã truy cập: 2089195