Thạch Thành phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương
Xác định xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP là chương trình kinh tế quan trọng, những năm qua, huyện Thạch Thành đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng, hỗ trợ và đến nay huyện đã có 13 sản phẩm OCOP 3 sao, góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với hình thành các chuỗi giá trị bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các sản phẩm OCOP của huyện Thạch Thành tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, huyện Thạch Thành đã lồng ghép việc triển khai Chương trình OCOP gắn với nhiệm vụ XDNTM của các địa phương. Đồng thời, để xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, huyện đã vận dụng nhiều cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ, vận động người dân, HTX, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng vùng miền, thế mạnh của địa phương và đáp ứng yêu cầu về quy mô vùng nguyên liệu. Cùng với đó, huyện tập trung quy hoạch sản xuất hàng hóa quy mô lớn, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Thạch Thành, cho biết: Để triển khai Chương trình OCOP hiệu quả, huyện đã tuyên truyền sâu rộng về nội dung, ý nghĩa của chương trình, giới thiệu các mô hình sản xuất các sản phẩm thế mạnh, truyền thống của địa phương. Từ đó, tìm ra những sản phẩm có tiềm năng để phát triển theo chu trình OCOP. Mặt khác, sau khi tiếp nhận đăng ký, ý tưởng sản phẩm OCOP của các chủ thể, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn xuống trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn chủ thể sản xuất hoàn thiện các nội dung, hồ sơ, nâng cấp cải tiến mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khâu cuối cùng mới là rà soát, lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm tham gia thi đánh giá, phân hạng tại hội đồng cấp huyện, cấp tỉnh.
Mật ong Hưởng Hoa là một trong những sản phẩm OCOP được chứng nhận sớm nhất của Thạch Thành. Năm 2018, HTX ong mật Hưởng Hoa, xã Thành Hưng được thành lập với gần 20 thành viên với mục tiêu phát huy lợi thế từ nghề nuôi ong mật có từ lâu đời tại địa phương. Nhờ việc sản xuất tương đối ổn định, HTX đã kết nối, tìm đầu ra cho người nuôi ong trên địa bàn huyện. Quan trọng nhất là, với một quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm mật ong chất lượng. Để sản phẩm trở nên thuần khiết tự nhiên, không hóa chất, không phẩm màu, không chất bảo quản, HTX phải tuân thủ quy trình kiểm soát khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh Nguyễn Văn Hưởng, giám đốc HTX mật ong Hưởng Hoa, cho biết: HTX đã đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, gồm nhà xưởng, máy tách thủy phân, máy ủ diệt nấm khử vi sinh, hệ thống lọc thô, lọc mịn và siêu mịn, hệ thống chiết rót chống tạo bọt, máy đóng nắp chai, khúc xạ kế dùng đo hàm lượng nước trong mật ong... Nhờ quy trình sản xuất an toàn, sản phẩm mật ong Hưởng Hoa đã được chứng nhận VietGAP, “gắn sao” OCOP. Không chỉ phục vụ khách hàng trong tỉnh, mật ong Hưởng Hoa đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Được biết, với quy mô liên kết hàng chục nghìn đàn ong trên địa bàn huyện, HTX ong mật Hưởng Hoa có vùng nguyên liệu ổn định khoảng 40 tấn mật/năm. Theo đó, 8 tháng năm 2023, HTX có sản lượng mật ước khoảng 15 tấn, doanh thu gần 1,5 tỷ đồng.
Từ việc phát huy tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng, những ngành nghề truyền thống, huyện Thạch Thành đang xây dựng đề án hỗ trợ kinh phí khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tham gia vào Chương trình OCOP. Theo đó, hỗ trợ cho các sản phẩm được công nhận 3 sao là 50 triệu đồng/sản phẩm; 4 sao là 70 triệu đồng/sản phẩm; 5 sao là 100 triệu đồng/sản phẩm. Và hỗ trợ kết nối cung, cầu, đưa các sản phẩm tham gia các hội thảo, hội chợ triển lãm, hội chợ trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh do Trung ương, tỉnh tổ chức.
Nhờ đó, đến nay, huyện đã xây dựng được 13 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong đó, có 9 sản phẩm được Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận và 4 sản phẩm được hội đồng cấp huyện công nhận theo quyết định mới. Một số sản phẩm OCOP có lượng tiêu thụ lớn, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, như: ổi lê Thành Tâm của HTX ổi Thành Tâm; cam Hùng Hải của Công ty TNHH Hùng Hải Thạch Thành; mật mía Đồng Hương Thạch Sơn của HTX mật mía Thạch Sơn... có doanh thu hàng chục tỷ đồng/sản phẩm/năm.
Với cách triển khai thực hiện phù hợp, Chương trình OCOP tại huyện Thạch Thành thực sự đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Để hoàn thành kế hoạch về thực hiện Chương trình OCOP, huyện đã tập trung hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đối với các sản phẩm đã được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên huyện chủ trương hướng dẫn các cơ sở củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và có thể nâng hạng sao trong các năm tiếp theo.
baothanhhoa.vn