Những sự kiện lịch sử, địa danh gắn liền với Chiến khu du kích Ngọc Trạo

Nhân kỷ niệm 82 năm thành lập Chiến khu du kích Ngọc Trạo (19-9-1941 - 19-9-2023), Báo Thanh Hóa xin giới thiêu những thông tin, tư liệu về Chiến khu du kích nổi tiếng trước Cách mạng tháng 8-1945 này.

Khu di tích Chiến khu du kích Ngọc Trạo.

Ngọc Trạo là tên gọi địa danh của một bản dân tộc Mường, huyện Thạch Thành. Trước Cách mạng Tháng 8-1945, bản này thuộc về tổng Trạc Nhật; còn nay thì thuộc về xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành. Năm 1941, khi Tỉnh uỷ Thanh Hoá quyết định thành lập chiến khu du kích tại đây để hưởng ứng Bắc Sơn, Nam Kỳ khởi nghĩa thì từ đó đến nay vẫn gọi là chiến khu du kích Ngọc Trạo.

Chiến khu du kích Ngọc Trạo nằm về phía bắc tỉnh Thanh Hoá cách huyện lỵ Kim Tân (Thạch Thành) khoảng gần 15 km. Đây là vùng đất đồi núi, tiếp nối với vùng rừng cấm nhà Nguyễn và Khu lăng miếu Triệu Tường (xã Hà Long - Hà Trung). Từ đây có thể theo đường núi đi tắt đến các xã của huyện Vĩnh Lộc và đi tắt về Phố Cát để sang Ninh Bình. Có thể nói: Đây cũng là một vị trí hiểm yếu.

Bản (làng) Ngọc Trạo có 7 xóm là: Đồng Cày, Ba Chạc, Mã Cọ, Bái Đình, Mộ Cuội, Xóm Sậu và Xóm Đình đều nằm ven chân các ngọn đồi thoai thoải hình cánh cung. Dãy núi đá Yên Thanh, con phượng, đồi Ông Thánh, đồi Ao nằm chắn về phía đông; đồi Ma Mầu, Trạch Lòi, đồi Riềng, Mã Nang bao quanh phía Bắc; đồi Mã Cọ, Tai Voi, đồi Sậu viền theo hình vòng cung và khép lại ở phía tây. Nói chung, với địa hình đồi núi và rừng hiểm trở, việc đi lại Ngọc Trạo thời kỳ trước năm 1945 rất khó khăn, chủ yếu là theo các đường mòn ven núi rừng.

Từ sau hòa bình lập lại đến nay, nhà nước đã khai phá mở mang con đường từ huyện lỵ Kim Tân đến chiến khu cách mạng Ngọc Trạo, vì vậy mà các phương tiện ô tô, xe máy, xe đạp đều đi lại được thuận tiện.

Từ Thành phố Thanh Hoá đến Ngọc Trạo, có thể đi theo hai trục đường chính từ Vĩnh Lộc hoặc Hà Trung - Bỉm Sơn lên chỉ với khoảng cách từ 50 - 60 km.

Trong các điểm di tích của chiến khu di kích Ngọc Trạo, chỉ có khu trung tâm là ô tô đến tận nơi, còn Đồi Ma Mầu, Hang Treo v.v... là phải đi xe máy, xe đạp hoặc đi bộ. Vì vậy, trong tương lai việc xây dựng hệ thống được đến các điểm di tích của chiến khu là việc đáng được lưu tâm nhất thì mới có thể đáp ứng sự đòi hỏi của đông đảo cán bộ, nhân dân trong ngoài tỉnh khi đến thăm chiến khu.

Tóm tắt các sự kiện lịch sử đã diễn ra ở chiến khu du kích Ngọc Trạo:

- Vì sao Ngọc Trạo lại được Tỉnh uỷ Thanh Hoá chọn làm nơi để xây dựng chiến khu du kích?

Ngọc Trạo là một bản nhỏ của dân tộc Mường (vào thời kỳ 1940 - 1941) chỉ có 43 hộ với số dân là 215 người) ở về phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hoá. Là vùng rừng núi, cách xa tỉnh lị, nhưng lại tiếp giáp với nhiều huyện như Vĩnh Lộc, Hà Trung, Ninh Bình v.v... Cho nên, từ đây có thể nhanh chóng liên lạc được với các vùng khác trong, ngoài tỉnh. Hơn nữa, đây lại là nơi có truyền thống yêu nước và cách mạng kiên cường. Từ năm 1886, đây là một vùng căn cứ của nghĩa quân Tống Duy Tân. Nhân Ngọc Trạo đã tỏ rõ chí khí Cần Vương cứu nước. Đến thời kỳ có Đảng lãnh đạo, Ngọc Trạo cũng là nơi sớm được truyền bá và giác ngộ lòng yêu nước và tư tưởng của chủ nghĩa Mác Lê Nin, giai đoạn 1936 - 1939, nhân dân Ngọc Trạo đã hăng hái tham gia các tổ chức quần chúng Cách mạng như “Hội tương tế ái hữu”; “Hội truyền bá quốc ngữ”; “Hội đọc sách báo” v.v... Cuốn sách “Vấn đề dân cày” của Qua Ninh và Vân Đình (tức đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp) đã được phổ biến sâu rộng ở đây. Có thể nói, là vùng miền núi, nhưng phong trào đấu tranh dân chủ của Ngọc Trạo rất tiêu biểu. Cuối năm 1939, khi phong trào dân chủ ở nhiều cơ sở cách mạng và nhiều vùng trong tỉnh bị khủng bố thì một số cán bộ cách mạng đã rút về đây để củng cố và duy trì phong trào.

Giữa năm 1940, khi Đảng bộ Thanh Hoá bắt được liên lạc với xứ uỷ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và được tiếp thu tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 (Tháng 11-1939), Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã kịp thời chỉ đạo việc xây dựng các đoàn thể phản đế cứu quốc ở Ngọc Trạo. Đầu năm 1941, các đoàn thể phản đế cứu quốc được củng cố và phát triển đều khắp, trên cơ sở ấy mà lực lượng tự vệ cứu quốc được thành lập. Đến tháng 7-1941, Ngọc Trạo đã có 38 hội viên cứu quốc và có 18 tuần phu đã trở thành hội viên tự vệ cứu quốc. Từ cơ sở Ngọc Trạo, phong trào phản đế cứu quốc ở huyện Thạch Thành đã phát triển lên một bước mới. Tháng 3-1941, mặt trận phản đế cứu quốc huyện Thạch Thành được thành lập và tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh có hiệu quả.

Giữa năm 1941, trong lúc phong trào ở các huyện Thiệu Hoá, Thọ Xuân đang bị kẻ thù uy hiếp thì vùng Thạch Thành, Vĩnh Lộc vẫn còn là nơi an toàn để tiếp tục phát triển phong trào. Đặc biệt, cơ sở cách mạng ở Thạch Thành còn phát triển rộng ra đến vùng Phố Cát, Sơn Để giáp Ninh Bình.

Phong trào cách mạng ở Ngọc Trạo và toàn huyện Thạch Thành lên mạnh. Điều kiện thành lập một chiến khu đã chín mùi. Do đó, đến đầu tháng 6-1941, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã quyết định xây dựng chiến khu du kích đầu tiên tại vùng Ngọc Trạo.

- Quá trình thành lập chiến khu và sự ra đời của đội du kích Ngọc Trạo lực lượng vũ trang thoát li đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá:

Sau hội nghị đại biểu Đảng bộ Tỉnh tại làng Phong Cốc (xã Xuân Minh, Thiệu Hoá cũ), đầu tháng 6-1941 Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã chọn Ngọc Trạo của huyện Thạch Thành làm điểm xây dựng chiến khu cách mạng của tỉnh nối liền các khu căn cứ Vĩnh Lộc, Hà Trung, Yên Định... với xứ uỷ Bắc Kỳ. Từ đây, công tác xây dựng chiến khu đã trở thành trọng tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ.

Ngày 10-7-1941, mười một đội viên du kích ở các nơi trong tỉnh đã được chọn về Ngọc Trạo để làm công tác chuẩn bị cho ban lãnh đạo chiến khu và cơ quan ấn loát về làm việc. Lực lượng đầu tiên này đã nhanh chóng thâm nhập vào quần chúng và thông qua công tác quần chúng để nắm bắt tình hình thật cụ thể, đồng thời tích cực tuyên truyền, giác ngộ tư tưởng cách mạng cho quần chúng để củng cố, phát triển các đoàn thể cứu quốc, nhất là đội tự vệ cứu quốc.

Do việc thực hiện tốt phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm, các chiến sĩ cách mạng này đã hoà nhập và gắn bó được với quần chúng. Vì vậy mà tuyệt đại bộ phận quần chúng Ngọc Trạo đã hăng hái, tích cực tham gia xây dựng chiến khu. Cuối tháng 7-1941, ban lãnh đạo chiến khu chính thức được thành lập (gồm các đồng chí Đặng Châu Tuệ - thường trực tỉnh uỷ phụ trách chung, đồng chí Trần Tiến Quân và Đặng Văn Hỉ - tỉnh uỷ viên phụ trách an toàn khu). Cơ quan Ấn loát của Tỉnh uỷ cũng được đưa về đây.

Chiến khu đã hình thành, mọi hoạt đồng đều đặt dưới sự chỉ huy chặt chẽ và thống nhất của ban lãnh đạo chiến khu. Nhân dân Ngọc Trạo phấn khởi, đặt tất cả niềm tin vào Đảng và cách mạng.

Phong trào Ngọc Trạo phát triển đều khắp. Toàn bộ hương chức của chính quyền thực dân phong kiến ở Ngọc Trạo nói riêng và cả tổng Trạc Nhật nói chung được cảm hoá đã ngả hẳn về lực lượng cách mạng. Nhờ vậy mà địa bàn chiến khu nhanh chóng được mở rộng.

Ban lãnh đạo chiến khu đã chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng lực lượng chính trị kết hợp với việc xây dựng lượng vũ trang cách mạng ra các vùng xung quanh Ngọc Trạo. Chỉ trong một thời gian ngắn các làng Phan Long, Ban Long, Thạch Cừ, Dĩ Chế... đều có các đội tự vệ cứu quốc hoạt động. Toàn chiến khu đã khẩn trương bước vào học tập chính trị và luyện tập quân sự một cách sôi nổi và nền nếp. Đội tự vệ Ngọc Trạo đã lập 3 canh ở Mộ Cuôi (đầu làng), Ba Chạc (cuối làng) và xóm Đình (giữa làng). Ba điểm này vừa là nơi canh gác, vừa là nơi liên lạc của cán bộ, chiến sĩ ra, vào chiến khu. Đội tự vệ nam đảm nhận việc canh gác cẩn mật, còn đội tự vệ nữ thì chăm lo việc hậu cần. Nói chung, toàn thể nhân dân Ngọc Trạo đã nhiệt tình che chở, động viên giúp đỡ cán bộ và chiến sĩ du kích như tình cá nước.

Đầu tháng 9-1941, Ban lãnh đạo quyết định cử một số cán bộ về các cơ sở cách mạng trong tỉnh tuyển chọn thêm lực lượng du kích và vận động quần chúng quyên góp ủng hộ chiến khu lương thực, thực phẩm và thuốc men. Trong thời gian ngắn, chiến khu cũng đã nhận được sự chi viện tích cực của các địa phương trong tỉnh. Lực lượng tự vệ của các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Yên Định, Vĩnh Lộc... cũng được tổ chức thành đơn vị để chờ lệnh lên đường tới chiến khu. Mặt khác, Ban lãnh đạo còn cử cán bộ đi liên lạc với xứ uỷ Bắc Kỳ xin vũ khí và cán bộ về Ngọc Trạo tham gia huấn luyện du kích.

Do ảnh hưởng và hoạt động của chiến khu ngày càng mở rộng, cho nên kẻ thù cũng bắt đầu đánh hơi đến. Tên tri huyện Thạch Thành Sầm Văn Kim đã lần mò về Ngọc Trạo để dò la tin tức. Tên đồn trưởng Bỉm Sơn Đuy-mô-ra đã phái lính đến tuần tra. Nhưng do sự đùm bọc và che chở của nhân dân, chiến khu Ngọc Trạo vẫn được bảo vệ an toàn.

Tuy vậy, để đánh lạc hướng do thám của kẻ địch, bảo đảm an toàn cho chiến khu, Ban lãnh đạo quyết định tạm dời lực lượng đến Hang Treo, cách Ngọc Trạo 12 km về phía Tây bắc.

Ngày 18-9-1941, lực lượng chiến khu đã đến Hang Treo một cách an toàn. Công tác tổ chức chiến khu được tiến hành một cách khẩn trương.

Và đến đêm ngày 19-9-1941 tại Hang Treo, trước ánh lửa hồng của ngọn đuốc cách mạng, đội du kích Ngọc Trạo đứng chỉnh tề dưới cờ Đảng quang vinh đã chính thức tuyên bố thành lập với tổng số 24 đội viên, phiên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Đặng Châu Tuê làm chỉ huy trưởng. Tất cả mọi chiến sĩ đều tuyên thệ sẵn sàng hy sinh phấn đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bài hát “Đời ta bấy lâu khổ rồi” được chọn làm bài “Đội ca”.

Sự ra đời của đội du kích Ngọc Trạo đánh dấu bước trưởng thành to lớn của tỉnh Thanh Hoá nói chung và ở huyện Thạch Thành nói riêng. Từ nay, Đảng bộ và nhân dân đã có một lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang sau này. Đây là một lực lượng có tổ chức chặt chẽ. Tất cả đều mặc quần áo nông dân, có thêm túi dết, xà cạp xanh. Mỗi chiến sĩ đều được trang bị một con dao nhọn, cán bộ được thêm một khẩu súng kíp. Việc học tập chính trị, văn hoá và huấn luyện quân sự đều được tiến hành khẩn trương và rất kỉ luật.

Cơ quan Ấn loát của Tỉnh uỷ sau khi đưa về Hang Treo vẫn tiếp tục hoạt động. Báo “Tự Do” - cơ quan ngôn luận của tỉnh Đảng bộ vẫn được in để gửi về các cơ sở cách mạng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đội du kích Ngọc Trạo vẫn lớn lên nhanh chóng. Các cơ sở cách mạng trong tỉnh và các tỉnh khác như Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh, Thái Bình... đã tập hợp các thanh niên giác ngộ cách mạng để gửi tới tăng cường cho chiến khu. Chỉ trong vòng một tuần lễ, đội du kích đã có tới 40 đội viên.

Ngày 25-9-1941, nhận thấy Hang Treo nằm sâu trong rừng vắng giữa hai huyện Thạch Thành và Hà Trung không được thuận tiện cho việc giao thông, liên lạc, tiếp tế, mở rộng địa bàn hoạt động của đội du kích đã trưởng thành hơn, đồng thời xét thấy kẻ thù đã lạc hướng do thám, ban lãnh đạo đã quyết định chuyển toàn bộ lực lượng về đóng tại đồi Ma Mầu - cách làng Ngọc Trạo 7.800m về phía Tây bắc.

Khu vực đồi Ma Mầu có rừng cây rậm rạp, ở độ cao khoảng 500m, các đồi yên ngựa liền nhau tạo thành thể liên hoàn. Từ đây có thể quan sát được đối phương từ Hà Trung lên và từ Thạch Thành tới. Tại đây, các chiến sĩ du kích đã dựng lán trại và phát san bãi tập.

Ở Ma Mầu đội du kích đã lập 3 bốt gác chốt ở 3 đỉnh đồi (Trạc Lòi, Ba Cao và đội Riềng) theo hình tam giác. Tại đây, số lượng đội viên đã lên khoảng 80 người, được biên chế thành các trung đội, tiểu đội theo nguyên tắc tam tam chế. Chương trình huấn luyện quân sự và mọi sinh hoạt chính trị, văn hoá, văn nghệ được tiến hành theo kế hoạch chặt chẽ.

Đội du kích đã lớn lên. Nhưng toàn bộ việc ăn uống của du kích đều do nhân dân Ngọc Trạo đảm nhận. Hàng ngày, đội tự vệ nữ lo việc cơm nước từ nhà mang lên đồi Ma Mầu. Còn các cụ già thì lo việc luyện cám rang để làm lương khô dự trữ cho du kích. Các tự vệ nam ở Ngọc Trạo ngày đêm tuần tra canh gác trong làng, dẫn đường chuyển tài liệu, thuốc men và vũ khí cho cán bộ chiến sĩ lên chiến khu. Còn ở gia đình, người thì làm tên nỏ, mở lò rèn làm vũ khí cho du kích, người thì đi chợ Kim Tân mua muối thuốc men, vải, đá in li lô mang lên cho du kích.

Nói chung, chiến khu du kích Ngọc Trạo đến thời điểm này đòi hỏi có sự ủng hộ và chi viện tích cực của các cơ sở cách mạng trong toàn tỉnh thì mới có thể tồn tại và phát triển. Vì vậy, Tỉnh uỷ đã kịp thời chỉ thị cho các cơ sở, cách mạng ở trong tỉnh tiếp tục chi viện tích cực cho chiến khu. Quần chúng và cán bộ ở các vùng Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Yên Định và Thị xã v.v... đã vượt qua mọi sự kiểm tra gắt gao của kẻ thù để mang đến cho chiến khu những thứ cần thiết như gạo, muối, lạc, vừng, quần áo, thuốc men, vũ khí, địa bàn, đèn pin v.v...

Với ý định hoàn chỉnh việc xây dựng chiến khu để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vũ trang rộng lớn sắp tới, Ban lãnh đạo chiến khu lúc này còn chủ trương phát triển đội du kích lên tới 500 đội viên để có đủ lực lượng hoạt động suốt từ Tây Bắc đến Đông Nam thuộc ven rừng núi Thanh Hoá và chủ trương này được xúc tiến khẩn trương. Đa Ngọc (Yên Định) và làng Cẩm Bào (Vĩnh Lộc) đã trở thành địa điểm tập kết và chung chuyển các lực lượng tự vệ và hậu cần từ các địa phương đến chiến khu Ngọc Trạo.

Phong trào phản đế cứu quốc trong tỉnh lên cao. Ảnh hưởng về một chiến khu cách mạng chuẩn bị cuộc khởi nghĩa vũ trang đã loang rộng.

Sau một thời gian đánh hơi và lùng sục, kẻ thù đã phát hiện sự hoạt động của đội du kích ở chiến khu Ngọc Trạo. Bọn thống trị đã huy động binh lính và mật thám của nhiều tỉnh tập trung về Thanh Hoá để chuẩn bị một cuộc vây ráp, khủng bố lớn chưa từng thấy.

Từ đầu tháng 9-1941, địch đã tập trung lực lượng o ép nhiều vùng trong các huyện Thiệu Hoá, Thọ Xuân, Yên Định. Các cuộc đánh tháo giải vây nổ ra liên tục. Giữa tháng 9-1941, đoàn cán bộ do đồng chí Trần Hoạt - Bí thư Tỉnh uỷ phụ trách xây dựng căn cứ vùng Nông Cống, Như Xuân bị sa vào lưới địch.

Ngày 7-10-1941 địch lại thiết quân luật ở vùng Tây Bắc Thanh Hoá và đang đêm đột nhập vào Đa Ngọc (nơi tập kết của tự vệ Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Yên Định lên đường đi chiến khu). Và tại đây đã nổ ra cuộc chiến đấu ác liệt đầu tiên giữa tự vệ Đa Ngọc với kẻ thù. Ngày 10-10-1941, cuộc truy nã tự vệ càng ác liệt hơn.

Đến ngày 16-10-1941, chiến khu Ngọc Trạo bị phong toả. Vào thời điểm này, vùng Ngọc Trạo bị mưa lụt liên tiếp. Lán trại ở đồi Ma Mầu bị dột ướt. Đội du kích phải tản vào đóng tại bốn nhà sàn ở xóm đình Ngọc Trạo. Một khó khăn lớn lúc này là sự thiếu thốn lương thực, thuốc men. Trong khi đó, các đường tiếp tế lại bị ngăn chặn. Còn nhân dân Ngọc Trạo - nguồn tiếp tế chủ yếu lại trong tình trạng giáp hạt và thiếu thốn nghiêm trọng. Vì thế mà đội du kích có ngày phải ăn rau quả để thay cơm. Nhưng cũng chính lúc này, tình thương yêu, đùm bọc của nhân dân Ngọc Trạo đối với du kích lại được thể hiện một cách đẹp đẽ và cao cả hơn bao giờ hết.

Giữa lúc Ban lãnh đạo chiến khu đang có kế hoạch chuẩn bị chuyển hướng địa bàn hoạt động thì bị kẻ thù tấn công.

Sáng sớm ngày 19-10-1941, bọn thống trị Pháp đã huy động một bộ phận binh lính khá lớn dưới sự chỉ huy của tên Phờ-lơ-tô, chánh mật thám Bắc Kỳ (và các tên Pe-rốt-sơ, chánh mật thám Trung Kỳ, Om-Be chánh mật thám Thanh - Nghệ - Tĩnh, Đu-gơ-ba-Phec-băng, thanh tra mật thám Đông Dương và các thanh tra mật thám Trung Kỳ...) chia làm 3 mũi tấn công Ngọc Trạo: một mũi từ Cầu Cừ (Hà Trung) tiến vào xóm Ba Chạc (cuối làng), một mũi từ Kim Tân (huyện lỵ Thạch Thành) kéo vào xóm Mộ Cuội (cuối làng), một mũi từ Bỉm Sơn do Đuy-Mô-Ra dẫn đầu đi tắt qua đồi Riềng để chọc thẳng vào xóm Đình (giữa làng).

Mặc dù, tương quan lực lượng chênh lệch (kể cả người và vũ khí), nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, đội du kích đã đánh lui nhiều đợt tiến công của địch. Các chiến sĩ đã đánh giáp lá cà, dùng dao, kiếm, mác quần nhau với địch, vừa xung phong, vừa dùng loa kêu gọi binh lính quay súng trở về với nhân dân. Sau khi một tên lính bị chém trọng thương, địch hoảng sợ bắn xối xả vào trận địa mai phục của đội du kích rồi rút lui khỏi Ngọc Trạo vào lúc 8 giờ sáng. Lực lượng du kích cơ bản được bảo toàn. Ba chiến sĩ du kích Phạm Văn Hinh, Hoàng Văn Môn, Đỗ Văn Tước và một số chiến sĩ khác đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt vì sự nghiệp giải phóng dân tộc đã trở thành những tấm gương ngời sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, rất xứng đáng được nêu gương cho đời sau học tập và noi theo.

Tối ngày 19-10-1941, sau khi làm lễ truy điệu chiến sỹ đã hy sinh, cất dấu tài liệu và chỉ đạo kế hoạch chống khủng bố cho nhân dân Ngọc Trạo, Ban lãnh đạo quyết định rút đội du kích về làng Cẩm Bào (thuộc xã Vĩnh Long, Vĩnh Lộc bây giờ) rồi phân tán nhỏ lực lượng về các vùng trong tỉnh, xây dựng, củng cố phát triển phong trào phù hợp với tình hình mới.

Chưa tiêu diệt được đội du kích, Thực dân Pháp và tay sai lồng lộng điên cuồng mở các cuộc khủng bố dã man ở vùng Ngọc Trạo, Cẩm Bào và hàng loạt các cơ sở cách mạng khác như Thiệu Hoá, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc. Mặc dù hầu hết cán bộ, chiến sĩ bị tù đầy, tra tấn và nhiều xóm làng bị triệt hạ. Song hình ảnh các chiến sĩ du kích và chiến khu Ngọc Trạo vẫn mãi mãi ngời sáng trong tình cảm niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thanh Hoá.

Mặc dù đội du kích và chiến khu Ngọc Trạo ra đời và hoạt động không lâu, nhưng đó là tiếng súng báo hiệu một thời kỳ đấu tranh cách mạng mới. Thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền với sự hoàn thiện về sự đấu tranh giành chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Sự ra đời ấy còn là sự tiếp nối của tiếng súng Bắc Sơn và Nam Kỳ. Đây còn là bước tập dượt cho việc xây dựng lực lượng và chiến khu cách mạng.

Đỉnh cao của phong trào phản đế, cứu quốc ở Thanh Hoá (1940 - 1941), đội du kích và chiến khu Ngọc Trạo vẫn mãi mãi là hình ảnh đẹp đẽ và hào hùng, rất xứng đáng được ghi vào trang sử vàng đấu trang giải phóng của dân tộc.

* Mô tả nội dung, hiện trạng những di tích đã được công nhận:

- Khu trung tâm chiến khu Ngọc Trạo:

Khu trung tâm chiến khu Ngọc Trạo thuộc xóm Đình, làng Ngọc Trạo (xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành) là một khu đất thoai thoải, bằng phẳng ở ven một ngọn đồi đất hình cánh cung ở phía bắc của xóm. Khu đất này rộng chừng vài hécta. Phía Nam (tức phía trước mặt) là một cánh đồng trũng hẹp ở chính giữa thung lũng bao quanh toàn là núi và đồi san sát hình yên ngựa.

Từ khu trung tâm có đường mòn lớn đến đồi Ma Mầu chừng gần 1 km.

Đây chính là nơi đặt cơ quan đầu tiên ở Ban chỉ huy chiến khu đội du kích Ngọc Trạo, đồng thời cũng là địa điểm sau cùng mà toàn bộ lực lượng đội du kích (gần 100 chiến sĩ) từ đồi Ma Mầu rút về đóng chốt tại 4 nhà sàn lớn sau đợt mưa lũ kéo dài. Và cũng chính tại đây, đã diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt để chống trả lại cuộc tấn công qui mô lớn giữa quân thù đông hơn gấp bội (vào sáng ngày 19/10/1941)

Như vậy khu trung tâm của chiến khu bao gồm các điểm di tích cụ thể như sau:

+ Cây đa - trạm gác và địa điểm liên lạc của quân du kích. Hiện tại vẫn còn.

+ Điểm đặt trụ sở Ban chỉ huy chiến khu và cơ quan in báo “Tự Do” - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Tỉnh lúc đó. Nhà sàn hiện nay không còn, nhưng địa điểm đó đã được cắm bia biển để giới thiệu.

+ Các địa điểm mà các tiểu đội súng, tiểu đội trinh sát, hậu cần, cứu thương của đội du kích ở cũng được cắm biển để giới thiệu.

+ Nơi chém trọng thương tên lính 444 cũng đã được cắm biển

+ Khu mộ 3 liệt sĩ đã hy sinh tại khu trung tâm (khu mộ này đã được bao phong, xây cất và được cắm bia biển cẩn thận)

+ Đoạn đường mòn từ khu trung tâm lên đồi Ma Mầu vẫn được bảo vệ để giới thiệu.

+ Đền thờ Tống Duy Tân: Ở gần sát với địa điểm của ngôi đình tranh làng Ngọc Trạo. (Đình đã mất nhưng đền thờ nhỏ này vẫn còn và vừa qua đã được Tỉnh, huyện cho tu sửa lại). Mặc dù về giá trị kiến trúc không có gì đặc biệt, nhưng lại là nơi thờ vị anh hùng Tống Duy Tân của đồng bào Mường xã Ngọc Trạo. Ngày ấy, đội du kích Ngọc Trạo cũng thường xuyên đến viếng đền để noi gương vị anh hùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc này. Hiện tại, ngôi đền ở sát cạnh trục đường chính của xã, là một di tích rất có ý nghĩa tại khu vực trung tâm ở chiến khu.

+ Tượng đài các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo được đặt ở vị trí chính giữa của khu trung tâm là một biểu tượng rất đẹp về khí phách anh hùng của các chiến sỹ Ngọc Trạo. Tượng mới được xây dựng năm 1991 nhân dịp 50 năm ngày thành lập đội du kích Ngọc Trạo.

+ Nhà Bảo tàng truyền thống Ngọc Trạo: cũng được xây dựng năm 1991. Nơi đây còn lưu giữ để trưng bày giới thiệu nhiều hiện vật và hình ảnh quí giá ghi nhận quá trình hoạt động của chiến khu và đội du kích Ngọc Trạo.

+ Tất cả mọi cây lớn (từ ngày chiến khu ra đời) còn lại vẫn được bảo vệ để tăng giá trị cho khu di tích.

Nói chung, khu trung tâm chiến khu đã được Tỉnh, huyện, xã qui hoạch chính thức để biến nơi đây trở thành cụm di tích cách mạng - một bảo tàng sống về sự ra đời và hoạt động của chiến khu và đội khu du kích Ngọc Trạo thời kỳ phản đế cứu quốc tại Thanh Hoá.

- Hang Treo: Là một địa điểm di tích quan trọng chứng kiến sự ra đời của đội du kích Ngọc Trạo - lực lượng vũ trang thoát li đầu tiên của Tỉnh Thanh Hoá vào đêm ngày 19/9/1941. Điểm di tích này hiện nay vẫn còn toàn vẹn và được bảo vệ nguyên trạng. Hàng trăm người ra vào hang vẫn dễ dàng. Từ Hang Treo đến khu trung tâm Ngọc Trạo độ hơn 10 cây số. Hiện tại từ Ngọc Trạo đến đây chỉ đi bằng phương tiện xe máy, xe đạp hoặc đi bộ, còn muốn đi ô tô thì phải đầu tư làm đường vào.

Muốn đến Hang Treo bằng ô tô thì đi đường từ Hà Trung đến Phố Cát là gần nhất.

Nói chung để tiện cho việc tham quan và phát huy tác dụng di tích này, điều đặc biệt trước hết là phải xây dựng một con đường để ô tô và các phương tiện cơ giới có thể đi được từ khu trung tâm đến đây.

Tại Hang Treo, bia biển bảo vệ đã được cắm cũng đang chờ sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành có liên quan để di tích Hang Treo vừa là di tích cách mạng vừa là một thắng cảnh đẹp ở vùng Thạch Thành - Phố Cát này.

- Đồi Ma Mầu: Lúc đầu là trạm tiền tiêu, sau là khu vực đóng quân, luyện tập quân sự của đội du kích Ngọc Trạo. Đây là ngọn đồi tháp (cách mặt biển chừng 500m), trên đỉnh lại rộng và tương đối bằng phẳng. Tất cả chỗ làm lán trại, bãi tập quân sự, giếng ăn v.v... đều được cắm biển để giới thiệu. Hiện nay, đồi đang được trồng cây theo kế hoạch được duyệt, nhưng những gì có liên quan tới hoạt động của đội du kích Ngọc Trạo đều được ghi nhận và giới thiệu bằng hệ thống bia biển. Tại chân đồi Ma Mầu, giếng nước của đội du kích đã đào để sử dụng vẫn còn đây với các tên rất đổi thân thương “giếng du kích”. Bất kể ai đến thăm địa điểm lịch sử đồi Ma Mầu đều phải dừng chân tại “giếng du kích” để nghỉ chân, rửa mát và hồi tưởng đến một sự kiện đã qua đầy ý nghĩa.

Và cây đa - trạm gác tiền tiêu trên sườn đồi vẫn còn đây cũng là nơi che bóng mát cho lớp cháu con và những người đồng đội đã từng chiến đấu ở đây.

Ngoài những điểm di tích chính đã nêu ở trên, ở đây còn nhiều điểm liên quan khác cũng ghi nhận về quá trình hoạt động của đội du kích Ngọc Trạo, nhưng vì ở tản mạn cho nên chỉ ghi nhận bằng bản chấm điểm sự phân bố di tích hoặc cắm bia biển để giới thiệu.

Nói chung, để tiện cho việc quản lý và phát huy tác dụng Tỉnh, huyện, xã và các ngành các cấp có liên quan ở Thanh Hoá sau nhiều lần bàn bạc, trao đổi đã đi đến thống nhất đề nghị công nhận chiến khu du kích Ngọc Trạo với tên gọi như sau: “Chiến khu du kích Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá” (bao gồm: Khu trung tâm chiến khu, Hang Treo, đồi Ma Mầu và những điểm có liên quan)

* Từ nhiều năm nay, Tỉnh uỷ UBND tỉnh Thanh Hoá đã quyết định lấy ngày 19-9 hàng năm làm ngày kỷ niệm truyền thống tại khu di tích chiến khu Ngọc Trạo. Những năm qua tỉnh đã đầu tư xây dựng, tôn tạo lại khu di tích (như Tượng đài, nhà Bảo tàng, bia biển, đường xá...) với số tiền hàng tỉ đồng.

Hiện nay, vấn đề đường vào di tích và từ di tích trung tâm đến các điểm có liên quan cần đầu tư hơn nữa thì mới đáp ứng được việc qua lại vùng này một cách thuận lợi.

Vấn đề trồng cây di tích cũng được thực hiện một cách đầy triển vọng.

Nói chung, qui hoạch khu trung tâm vẫn là điểm cơ bản nhất. Còn các điểm di tích khác chỉ cần cắm bia biển và làm đường đi đến.

Có thể nói, triển vọng của khu di tích cách mạng Ngọc Trạo sẽ rất tốt đẹp. Chỉ cần sự quan tâm đúng mức, thường xuyên hơn nữa của Nhà nước thì khu di tích này sẽ phát huy tác dụng được tốt hơn.

Do tính chất và ý nghĩa đặc biệt của nó mà năm 1993, 1994 chiến khu du kích Ngọc Trạo đã vinh dự được Nhà nước công nhận là di tích cách mạng Quốc gia. Từ đó đến nay, đây là một trọng điểm phát huy truyền thống cách mạng, vừa là nơi giao lưu gặp gỡ của nhiều thế hệ cán bộ và nhân dân trong, ngoài tỉnh Thanh Hoá. Chắc chắn đây sẽ trở thành một điểm hẹn du lịch trở về cội nguồn đầy hấp dẫn đối với mọi thế hệ hôm nay.

Nguồn: Chiến khu du kích Ngọc Trạo, Thanh Hoá Di tích và Thắng cảnh, tập 3, NXB Thanh Hoá

 

TÌM KIẾM

BANNER LIÊN KẾT

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 6

    Hôm nay: 48

    Đã truy cập: 2088366