Chiến khu Ngọc Trạo - Bản hùng ca cách mạng
Ra đời vào mùa thu năm 1941 cách đây tròn 82 năm, mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, nhưng chiến khu Du kích Ngọc Trạo đã thắp lên ngọn lửa mới cho phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn tỉnh. Được thắp lên bởi nhiệt huyết, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của các chiến sĩ du kích địa phương, ngọn lửa ấy đã góp phần thổi bùng lên thành bão táp của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng 8/1945 trên toàn quốc, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do và tự chủ cho nước nhà.
Trong khi lực lượng cách mạng chuẩn bị công bố quyết định thành lập Đội du kích Ngọc Trạo, thì thực dân Pháp đã đánh hơi thấy các hoạt động của du kích ở chiến khu. Ban chỉ huy chiến khu phải rời địa điểm hoạt động của Đội du kích về Hang Treo, cách Ngọc Trạo 15 cây số về phía Bắc, tiếp giáp giữa huyện Thạch Thành và huyện Hà Trung. Vào đêm ngày 19 - 9 -1941, giữa lòng hang mịt mùng sâu thẳm, hai mươi mốt chiến sỹ du kích đầu tiên đã cùng nhau nguyện thề hi sinh, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sau khi tuyên bố thành lập đội du kích Ngọc Trạo ở hang Treo, ngày 25/9/1941, Ban Lãnh đạo Chiến khu quyết định chuyển toàn bộ lực lượng về làng Ngọc Trạo, đóng tại đồi Ma Mầu (cách làng Ngọc Trạo khoảng 01km về phía Bắc). Tại đồi Ma Mầu, quân số lúc này của đội du kích Ngọc Trạo lên tới hàng trăm người, chia thành nhiều phân đội, cùng tập luyện, sinh hoạt. Đây là lực lượng vũ trang sơ khai đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được tổ chức với đầy đủ các bộ phận như: bộ phận trực tiếp chiến đấu, bộ phận hậu cần, bộ phận giáo dục chính trị.
Một số tranh, ảnh, hiện vật tái hiện quá trình hình thành, phát triển của du kích Chiến khu Ngọc Trạo
Ngọn lửa cách mạng được thắp lên bởi 21 con tim đầy lý tưởng và nhiệt huyết, trong một thời gian ngắn đã lan tỏa khắp một vùng rộng lớn của xứ Thanh. Các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Hà Trung, Cẩm Thủy, Hoằng Hóa, thị xã Thanh Hóa… đã tuyển lựa thanh niên ưu tú bổ sung cho đội du kích. Một số tỉnh bạn như Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Đông, nhiều thanh niên nam nữ đã bí mật tìm đường lên Chiến khu Ngọc Trạo để tham gia hoạt động đấu tranh cách mạng. Dù thành lập trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng chiến khu Ngọc Trạo được nhân dân địa phương và các vùng lân cận che chở, bảo vệ, quyên góp ủng hộ lương thực, thực phẩm, vũ khí, quần áo, thuốc men. Riêng nhân dân Ngọc Trạo đã hết lòng bảo vệ, cưu mang, đùm bọc anh em du kích.
Những ngày đầu tháng 10 - 1941, chiến khu Ngọc Trạo bừng bừng khí thế cách mạng. Ban lãnh đạo chiến khu đã vạch phương án chiến đấu cụ thể, trực gác suốt ngày đêm, tăng cường luyện tập. Bao trùm lên tất cả là không khí sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chiến khu. Thực dân Pháp cho tay sai, thám báo điều tra, dần phát hiện ra chiến khu du kích. Rạng sáng ngày 19/10/1941, tại địa điểm này, thực dân Pháp đã bí mật cho quân tấn công vào chiến khu Ngọc Trạo. Cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo anh dũng, kiên cường đánh giáp lá cà, dùng dao, kiếm, mã tấu quần nhau với địch. Sau trận chiến đấu , nhận thấy không cân sức, Đội du kích Ngọc Trạo rút về làng Cẩm Bào để bảo toàn lực lượng, sau đó phân tán đội hình và chuyển hướng hoạt động.
Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng đội du kích và Chiến khu Ngọc Trạo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Trung ương và Tỉnh ủy giao phó. Đây là sự tiếp nối của tiếng súng Bắc Sơn và Nam Kỳ khởi nghĩa, là nguồn sức mạnh cổ vũ to lớn để đưa phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa lên tầm cao mới. Đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang và chiến tranh du kích; kết hợp sức mạnh chính trị với sức mạnh vũ trang, bài học về khởi nghĩa từng phần để tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945./.
ST